Ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (“Luật Các TCTD 2024”) với 15 Chương, 210 Điều sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, ngoại trừ Điều 200.3 và Điều 210.15 của Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Sau đây là tóm tắt một số điểm nổi bật có tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động của các ngân hàng thương mại.
1. Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông
Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) hiện hành (“Luật Các TCTD 2010”) quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông là tổ chức tối đa là 15%, cổ đông và người có liên quan của cổ đông là 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, Điều 63 của Luật Các TCTD 2024 đã giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với một cổ đông là tổ chức (bao gồm cả sở hữu gián tiếp) xuống còn không được vượt quá 10% vốn điều lệ của một TCTD, và của cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó xuống còn không được vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD. Quy định trên đây không áp dụng với một số trường hợp ngoại lệ như sở hữu cổ phần Nhà nước tại TCTD cổ phần hóa, sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Có thể thấy, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần này sẽ giúp gia tăng số lượng các cổ đông qua đó gia tăng tính đại chúng cũng như đa dạng hóa cơ cấu cổ đông của các TCTD, góp phần hạn chế được tình trạng sở hữu chéo và giảm thiểu rủi ro có thể gây tác động đến hoạt động của TCTD, đặc biệt là các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần cũng sẽ có tác động lớn đến các cổ đông hiện hữu, đặc biệt là các cổ đông chiến lược trong quản trị nội bộ của TCTD. Do đó, để tránh sự xáo trộn không cần thiết cũng như tác động tiêu cực đến các TCTD, Điều 210.11 của Luật Các TCTD 2024 có quy định chuyển tiếp rằng “kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (tức từ ngày 01/7/2024), cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu”.
2. Giảm mức giới hạn cấp tín dụng
Điều 128.1 của Luật Các TCTD 2010 quy định tổng mức nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% tổng vốn tự có của TCTD. Đối với một khách hàng và người liên quan, tỷ lệ này không được vượt quá 25% tổng vốn tự có của các TCTD nêu trên.
Tuy nhiên, Điều 136.1 của Luật Các TCTD 2024 đã giảm mức cấp tín dụng như sau: tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của TCTD và 15% đối với một khách hàng và người có liên quan. Có thể thấy, việc điều chỉnh tỷ lệ này là nhằm hạn chế việc tập trung nguồn vốn cấp tín dụng cho một hoặc một nhóm khách hàng, tăng cơ hội tiếp cận vốn cho các đối tượng khách hàng khác nhau, từ đó sẽ phân tán được rủi ro. Tuy nhiên, việc giảm mức cấp tín dụng này sẽ làm cho các TCTD đang có tỷ lệ cho vay nhóm khách hàng liên quan vượt tỷ lệ sẽ gặp áp lực cơ cấu lại khoản vay, đồng thời dư nợ tín dụng có thể bị sụt giảm do nhóm khách hàng này phải tìm nguồn vốn khác để tất toán bớt khoản vay hiện hữu.
Nhằm bảo đảm minh bạch cũng như giảm thiểu tác động đột ngột đến hoạt động của các TCTD, Điều 136.1 của Luật Các TCTD 2024 đưa ra lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 05 năm. Theo đó, mức giảm mỗi năm là 1% với một khách hàng và 2% với một khách hàng và người có liên quan, bắt đầu từ ngày 01/7/2024 đến trước ngày 01/01/2026 thì giảm xuống 14% vốn tự có với một khách hàng và 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan và đến ngày 01/01/2029 thì buộc phải đáp ứng quy định là 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.
3. TCTD bị rút tiền hàng loạt sẽ đưa vào diện phải can thiệp sớm hoặc kiểm soát đặc biệt
So với Luật Các TCTD 2010, Luật Các TCTD 2024 bổ sung trường hợp bị rút tiền hàng loạt sẽ bị đưa vào diện phải can thiệp sớm hoặc kiểm soát đặc biệt. Theo đó, TCTD bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ được đưa vào diện phải thực hiện can thiệp sớm (Điều 156.1), đối với trường hợp bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống các TCTD thì đưa vào diện phải kiểm soát đặc biệt (Điều 162.1(d))
Để xử lý trường hợp bị rút tiền hàng loạt, Điều 191 của Luật Các TCTD 2024 yêu cầu TCTD bị rút tiền hàng loạt phải báo cáo NHNN và thực hiện ngay các biện pháp như: không chia cổ tức bằng tiền mặt; tạm dừng hoặc hạn chế các hoạt động cấp tín dụng và các hoạt động khác có sử dụng nguồn tiền của TCTD; các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu chi trả tiền gửi cho khách hàng; thực hiện các biện pháp tại phương án khắc phục, cập nhật, điều chỉnh phương án trong trường hợp cần thiết.
Trường hợp TCTD đang được can thiệp sớm bị rút tiền hàng loạt thì phải báo cáo NHNN về tình trạng rút tiền hàng loạt và rà soát, đánh giá lại thực trạng để xây dựng, điều chỉnh phương án khắc phục và thực hiện phương án khắc phục đã được xây dựng, điều chỉnh.
Ngoài ra, TCTD còn được áp dụng biện pháp hỗ trợ khi bị rút tiền hàng loạt để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền như: bán giấy tờ có giá cho NHNN trên nghiệp vụ thị trường mở với lãi suất 0%; thực hiện giao dịch ngoại tệ với NHNN để bảo đảm thanh khoản; vay đặc biệt từ NHNN, từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi hoặc từ TCTD khác.
Việc bổ sung quy định này như là một biện pháp trấn an tâm lý người gửi tiền trước những lo ngại về rủi ro hệ thống có thể xảy ra trong tương lai.
4. TCTD được quyền chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động sản để thu hồi nợ
Điều 139.3, 200.3 của Luật Các TCTD 2024 cho phép TCTD được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ mà không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản. Đồng thời, thời gian xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản là 05 năm (thay vì 03 năm như quy định tại Điều 132.3 của Luật Các TCTD 2010). Việc gia hạn thời gian nắm giữ bất động sản để xử lý nợ sẽ giúp các TCTD có thêm thời gian để giải quyết các thách thức liên quan đến xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, nếu TCTD chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đã nhận làm tài sản bảo đảm trước ngày Luật này có hiệu lực (tức ngày 01/01/2025) để thu hồi nợ thì dự án bất động sản chuyển nhượng phải đáp ứng các điều kiện sau: (i) đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; (ii) không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc cấm giao dịch; (iii) dự án còn đang trong thời hạn thực hiện; (iv) đối với chuyển nhượng một phần dự án thì phải đảm bảo phần chuyển nhượng là độc lập với các phần khác; và (v) phải có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Điều 210.15(a) của Luật Các TCTD 2024).
Ngoài ra, các TCTD có tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản đã được thu giữ hoặc đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD trước ngày 01/7/2024 mà đến ngày 01/7/2024 chưa xử lý xong thì được tiếp tục áp dụng quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 01/01/2024 cho đến khi xử lý xong (Điều 210.6 của Luật Các TCTD 2024).
Quy định này được đánh giá sẽ giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với một phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý, từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt nhóm ngân hàng niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao.
5. Các điểm thay đổi đáng chú ý khác
Ngoài các điểm trên đây, Luật Các TCTD 2024 còn có các điểm mới đáng chú ý khác như: TCTD phải công bố thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ; hợp nhất Giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; siết chặt việc bán bảo hiểm qua ngân hàng; cung ứng dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử.