GV Lawyers xin giới thiệu bài viết của Luật sư Lê Quang Vy và bà Nguyễn Thị Hằng có tiêu đề: “Cần không giấy phép đi thi người đẹp quốc tế?” được đăng trên Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn ngày 20/07/2017 số 29-2017(1.388).
***
Mấy năm trở lại đây, thực trạng nhiều người đẹp, người mẫu tham gia các cuộc thi tại nước ngoài bị Cục Nghệ thuật biểu diễn xử phạt vì không xin giấy phép không còn là chuyện hiếm. Có thể nhắc đến trường hợp từng làm nóng dư luận khi Oanh Yến đăng quang Hoa hậu Thế giới toàn cầu tổ chức tại Philipines bị Cục Nghệ thuật biểu diễn phạt 30 triệu đồng vì tự ý đi thi cách đây gần hai năm. Gần đây nhất là người đẹp Nguyễn Thị Thành đạt giải Á hậu 3 tại cuộc thi Miss Eco International 2017 bị phạt 22,5 triệu vì “thi chui”.
Liệu đi thi người đẹp, người mẫu quốc tế có cần phải xin giấy phép dự thi tại cơ quan chức năng?
ĐỦ ĐIỀU KIỆN MỚI ĐƯỢC CẤP PHÉP ĐI THI
Theo quy định tại Nghị định 79 (ngày 5-10-2012) về quy định biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định 15 (năm 2016) sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 79, những thi sinh Việt Nam chỉ được phép dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế khi đáp ứng đủ hai điều kiện: (i) Đã đạt danh hiệu chính tại cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước; (ii) Được một tổ chức Việt Nam có đăng ký kinh doanh dịch vụ văn hóa, nghệ thuật hoặc quyết định thành lập có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm đại diện thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế và đưa đi dự thi. Theo đó, tổ chức đưa người đẹp dự thi sẽ nộp bộ hồ sơ xin cấp giấy phép dự thi tại Cục Nghệ thuật biểu diễn. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp giấy phép. Trường hợp không cấp giấy phép thì Cục Nghệ thuật biểu diễn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Vậy có thể hiểu hiện nay một công dân Việt Nam bình thường sẽ không được tự mình tham gia một cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế nếu không đủ các điều kiên trên và không được cấp giấy phép. Trường hợp tự ý tham gia sẽ bị xử phạt tiền từ 15-30 triệu đồng (Nghị định 158/2013/NĐ-CP, 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo).
Những quy định trên cho thấy Nhà nước có sự sàng lọc rất kỹ để cử đi những thí sinh ưu tú nhất. Với ý nghĩa đó, các quy định của Nghị định 79 hướng tới mục đích quản lý chặt chẽ đối tượng dự thi các cuộc thi sắc đẹp, người mẫu. Tuy nhiên, các quy định này hiện nay lại không phát huy được hiệu quả quản lý của Nhà nước mà ngược lại còn phát sinh nhiều vấn đề bất ổn đáng chú ý.
ĐỦ TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ VẪN LÀ CHƯA ĐỦ
Các quy định nêu trên dẫn đến một nghịch lý đó là trường hợp các công dân Việt Nam đủ tiêu chuẩn do ban tổ chức cuộc thi quốc tế đề ra nhưng lại không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định pháp luật Việt Nam, từ đó dẫn đến việc không được tham gia các cuộc thi quốc tế dù đã đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, ngoài những cuộc thi yêu cầu thí sinh phải đạt danh hiệu chính trong một cuộc thi cấp quốc gia tại nước của mình để lấy quyền đại diện quốc gia tham dự cuộc thi như Hoa hậu Thế giới [1] hay Hoa hậu Hoàn vũ[2], cũng có những cuộc thi không đưa ra các điều kiện trên, các người đẹp chỉ cần đáp ứng những tiêu chí của ban tổ chức cuộc thi đó đề ra. Lúc này họ tham gia cuộc thi với tư cách cá nhân họ chứ không phải đại diện quốc gia, ví dụ như trường hợp của Mai Ngô khi tham gia cuộc thi Asia Next top model, Nguyễn Thị Thành tham gia cuộc thi Miss Eco International hoặc nhiều trường hợp khác, các thí sinh bất chấp việc bị cơ quan thẩm quyền Việt Nam xử phạt, vẫn tham gia các cuộc thi tại nước ngoài. Có thể thấy, việc quy định mọi trường hợp thí sinh phải đạt danh hiệu chính trong nước, phải thông qua một tổ chức có chức năng hoạt động văn hóa nghệ thuật để xin giấy phép dự thi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được dự thi tại nước ngoài dường như không còn phù hợp với nhu cầu giao lưu văn hóa giữa các quốc gia với nhau trong một thế giới phẳng ngày nay. Thêm vào đó, Nhà nước cũng không thể quản lý hết thi sinh đang tham gia vô vàn các cuộc thi sắc đẹp, người mẫu diễn ra trên thế giới, vì vậy cơ chế quản lý thông qua giấy phép không đạt được hiệu quả như mong muốn.
VẤN ĐỀ QUYỀN CỦA CÔNG DÂN
Nội dung các quy định tại Nghị định 79 liệu có mẫu thuẫn? Cụ thể tại điều 3 của nghị định này có quy định: khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia thi người đẹp, người mẫu, nhưng mặt khác tại điều 22 của nghị định lại đặt ra các điều kiện và thủ tục cấp giấy phép dự thi, vô hình trung điều này lại trở thành rào cản khiến công dân bị hạn chế quyền tham gia các cuộc thi quốc tế của mình. Ngoài ra, các thi sinh tham dự cuộc thi quốc tế nếu không có giấy phép dự thi của Cục Nghệ thuật biểu diễn thì thành tích họ đạt được không được công nhận tại Việt Nam, phải khẳng định dù chúng ta có không công nhận đi chăng nữa thì bản thân danh hiệu đạt được đã gắn với cá nhân của người dự thi và đây là quyền nhân thân được Bộ luật Dân sự bảo hộ. Chúng ta ca ngợi và không phủ nhận các thí sinh có gốc Việt Nam hoặc người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài tham gia các cuộc thi người đẹp Việt Nam tại nước ngoài nhưng chúng ta lại không công nhận thành tích của thí sinh Việt Nam tại nước ngoài nếu không có giấy phép dự thi. Điều này quả thật không công bằng đối với các thí sinh ở trong nước.
Có quan điểm cho rằng nếu không cấp giấy phép dự thi sẽ dẫn đến tình trạng không sàng lọc thí sinh, từ đó có thể làm mất hình ảnh của Việt Nam trên thế giới. Trước hết, xét ở khía cạnh quyền công dân, quyền con người, việc tham dự một cuộc thi sắc đẹp của công dân là quyền tự do của cá nhân miễn là sự tự do này không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước. Do đó, không thể áp cơ chế “xin, cho” vào quyền mà công dân đương nhiên được hưởng. Thứ hai, ở đây chúng ta đã vì một “nỗi lo sợ mất hình ảnh” mơ hồ, chưa xác định có xảy ra hay không mà chúng ta đã đóng cửa, hạn chế quyền của công dân, hạn chế cơ hội quảng bá văn hóa, hình ảnh của đất nước con người Việt Nam đến với thế giới. Chúng ta không thể tư duy theo hướng không quản lý được thì cấm hoặc hạn chế quyền. Và điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, khi các thi sinh đi thi với tư cách cá nhân tại một cuộc thi, thí sinh đó phải chịu trách nhiệm cá nhân trước những hành vi của mình. Luật pháp hiện hành quy định rất rõ ràng các chế tài xử lý đối với các hành vi ứng xử không phù hợp thuần phòng mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, hay các hành vi làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại… Do đó, hơn ai hết các thí sinh dự thi phải ý thức và chịu trách nhiệm trước những phát ngôn, hành động của mình không chỉ tại một cuộc thi mà ngay cả trong cuộc sống hàng ngày.
ĐÃ ĐẾN LÚC THAY ĐỔI
Với những phân tích ở trên, có thể thấy rằng quy định về việc cấp giấy phép dự thi người đẹp, người mẫu tại nước ngoài không phù hợp với thực tiễn hiện nay. Trong thời đại toàn cầu không chỉ có kinh tế toàn cầu mà văn hóa cũng toàn cầu. Có nên chăng, chúng ta cần phải thay đổi cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, theo đó các người đẹp được tự do tham gia các cuộc thi tại nước ngoài nếu họ đáp ứng tiêu chuẩn do ban tổ chức đề ra. Nhưng sau cuộc thi, người dự thi đoạt giải phải có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về kết quả tham gia cuộc thi, qua đó cơ quan nhà nước sẽ nắm được danh sách các người đẹp của Việt Nam từng đoạt giải quốc tế nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng các chiến lược quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè năm châu.
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Hoa_h%E1%BA%ADu_Th%E1%BA%BF_gi%E1%BB%9Bi
[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Hoa_h%E1%BA%ADu_Ho%C3%A0n_v%C5%A9