Xin giới thiệu bài viết của Luật sư Lê Quang Vy và bà Nguyễn Thị Hằng có tiêu đề: “Ca sĩ có được đồng thời là nhà sản xuất album của mình?” được đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn, số 31-2017 (1.390) ngày 03/08/2017.
***
Trong nền công nghiệp giải trí, các tác phẩm âm nhạc đến với công chúng không chỉ thông qua biễu diễn trực tiếp mà còn qua phát hành album ghi âm, ghi hình trên thị trường. Việc tạo ra một album âm nhạc là cả quá trình, từ phần trình diễn của ca sĩ; hòa âm, phối khí; chọn phòng thu (studio) cho đến việc quảng bá, phát hành sản phẩm âm nhạc đến công chúng. Thông thường, quá trình này được các nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình thực hiện. Nhưng hiện nay, nhiều các ca sĩ đã tự mình đóng vai trò nhà sản xuất nhằm tăng tính chủ động trong việc đưa sản phẩm của mình tới công chúng.
Vẫn tưởng rằng đây là một hoạt động bình thường, nhưng thực tế lại phát sinh vấn đề pháp lý khi cơ quan chức năng từ chối cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình do cá nhân ca sĩ sản xuất.
LUẬT VÀ NGHỊ ĐỊNH CHỌI NHAU
Theo quy định tại Công ước Rome bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng (có hiệu lực tại Việt Nam ngày 1-3-2007) thì nhà sản xuất bản ghi âm là một cá nhân hoặc pháp nhân đầu tiên định hình âm thanh của buổi biểu diễn hoặc của các âm thanh khác.[1] Tương tự, tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật SHTT), điều16.3 quy định nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình bao gồm tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác. Như vậy, khi người biểu diễn là người định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh cuộc biểu diễn của mình thì họ sẽ trở thành nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Lúc này, họ đương nhiên được đứng tên trên giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp với tư cách là nhà sản xuất.
Xem xét thêm các quy định của Luật SHTT thì người biểu diễn nếu là chủ đầu tư của cuộc biểu diễn thì trở thành chủ sở hữu của cuộc biểu diễn. Theo đó, họ có đầy đủ quyền nhân thân và quyền tài sản, bao gồm việc độc quyền cho hay không cho người khác ghi âm, ghi hình; cho hay không cho các đài phát thanh truyền hình phát sóng cuộc biễu diễn đó. Người biểu diễn cũng trở thành chủ sở hữu của bản ghi âm, ghi hình nếu họ là người sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan.
Thế nhưng Luật SHTT quy định “một đàng”, còn nghị định thì hướng dẫn “một nẻo”. Cụ thể, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 15/2016/NĐ-CP, quy định Cục Nghệ thuật biễu diễn tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu do tổ chức thuộc cơ quan trung ương sản xuất hoặc nhập khẩu; sở văn hóa, thể thao và du lịch tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu do các tổ chức thuộc địa phương sản xuất hoặc nhập khẩu.[2] Có thể thấy quy định này chỉ thừa nhận việc đăng ký xin giấy phép cho các bản ghi âm, ghi hình cho tổ chức sản xuất, còn đối với cá nhân thì hoàn toàn không đề cập. Theo đó, cơ quan thi hành pháp luật chỉ cấp giấy phép cho tổ chức và từ chối cấp cho các cá nhân là ca sĩ – người đã đầu tư tài chính để sản xuất album của mình.
ĐỨNG TÊN DÙM ĐỂ XIN GIẤY PHÉP
Hiện nay, rất nhiều ca sĩ đầu tư tài chính để sản xuất băng đĩa ghi âm, ghi hình cho cuộc biểu diễn của chính mình, nhưng phải “nhờ” một pháp nhân có chức năng sản xuất băng đĩa lập thủ tục xin giấy phép lưu hành băng đĩa nhạc. Ở đây, rõ ràng nhà sản xuất, chủ sở hữu bản ghi âm, ghi hình là ca sĩ, nhưng người đứng tên trên giấy phép là một tổ chức khác. Hệ lụy của việc này là việc người biểu diễn bị tước đi quyền nhân thân được đứng tên trên album với tư cách nhà sản xuất, đồng thời bị xâm phạm quyền tài sản khi người sử dụng băng đĩa nhằm mục đích kinh doanh thương mại chỉ thanh toán tiền thù lao quyền liên quan của nhà sản xuất băng đĩa cho tổ chức đứng tên dùm đó.
Theo quy định, các tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp các bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng[3]. Căn cứ vào quy định này, trường hợp ca sĩ đồng thời là nhà sản xuất album sẽ được nhận hai khoản thù lao quyền liên quan với hai tư cách: người biểu diễn đồng thời là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.
Tuy nhiên, với kiểu cấp phép theo quy định của Nghị định 79 và Nghị định 15, cá nhân ca sĩ không được công nhận là nhà sản xuất băng đĩa, nên dù ca sĩ là người đầu tư tài chính để sản xuất thì người sử dụng vẫn chỉ thanh toán cho nhà sản xuất có tên trên bìa album, dẫn đến ca sĩ bị mất đi khoản tác quyền đáng lẽ họ được hưởng. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến như các trường hợp sử dụng bản ghi âm, ghi hình trong các nhà hàng, khách sạn, siêu thị hoặc các đơn vị kinh doanh, thương mại khác. Để bảo vệ quyền lợi của mình, hiện nay, nhiều ca sĩ khi ký hợp đồng với nhà sản xuất băng đĩa, họ thường thỏa thuận rõ việc nhà sản xuất băng đĩa chỉ là đơn vị phát hành và chỉ được hưởng thù lao phát hành; còn quyền liên quan của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình vẫn thuộc về ca sĩ.
Như vậy, Nghị định 79 và Nghị định 15 vô hình trung đã tạo điều kiện cho một giao dịch đứng tên giùm được thực hiện và được cơ quan hành pháp thừa nhận. Trong khi đó, hiện nay, giao dịch đứng tên giùm chưa được pháp luật dân sự quy định. Đối với các trường hợp giao dịch đứng tên giùm để sở hữu bất động sản, thành lập doanh nghiệp….khi có tranh chấp giữa các bên, nhiều tòa án đã tuyên giao dịch vô hiệu và các đơn vị liên quan chỉ “túm tóc” người đứng tên trên các giấy chứng nhận hoặc người có thông tin được đăng ký với nhà nước.
CẦN THỐNG NHẤT QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT
Ngoài cách nhờ pháp nhân có chức năng xin giấy phép, một số ca sĩ đã tự lập ra công ty để sản xuất album của mình, như Công ty TNHH Giải trí Tiếng hát Việt của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Công ty Dịch vụ giải trí Mỹ Tâm của ca sĩ Mỹ Tâm. Các công ty này đóng vai trò là nhà sản xuất trên giấy phép để lưu hành sản phẩm của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và ca sĩ Mỹ Tâm. Tuy nhiên, không phải ca sĩ nào cũng có điều kiện mở công ty. Hơn nữa, việc bạn muốn tự sản xuất một album âm nhạc và việc bạn phải mở một công ty là hai nhu cầu hoàn toàn khác nhau. Không thể buộc mong muốn sáng tạo nghệ thuật phải song hành với mở công ty.
Rõ ràng, sự không thống nhất giữa Luật SHTT và Nghị định 79, Nghị định 15 không những trái với nguyên tắc xây dựng pháp luật mà còn tạo ra rào cản cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật của người biểu diễn. Bởi lẽ đó, cần sửa đổi nghị định, bổ sung trường hợp cá nhân người biểu diễn đóng vai trò là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Với sự phát triển ngày càng phong phú và đa dạng của ngành công nghiệp giải trí trên thế giới, luật pháp Việt Nam về lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật cần hội nhập sâu rộng hơn nữa, nhằm tạo điều kiện tối đa để phát huy sức sáng tạo của các văn nghệ sĩ.
[1] Điều 3 b Công ước Rome
[2] Điều 24 về thẩm quyền và thủ tục cấp, thu hồi giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu của Nghị định 24.
[3] Điều 33 Luật SHTT quy định về các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao