Chương trình “ĐỒNG HÀNH HÀNG VIỆT” số 138, phát sóng ngày 7 tháng 2 năm 2017, trên kênh HTV7 với chủ đề “Nhãn hiệu hàng hóa và quyền lợi doanh nghiệp“.
Chương trình có sự tham gia trả lời phỏng vấn của Luật sư Lê Quang Vy.
Theo chia sẻ của Luật sư Lê Quang Vy những thay đổi trước và sau khi luật sở hữu trí tuệ được ban hành đến năm 2015 đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy nhiên, những thay đổi này vẫn chưa đạt được yêu cầu lý tưởng. Luật sư Lê Quang Vy cũng trả lời về những lợi ích mà doanh nghiệp có được khi đăng ký nhãn hiệu trong nước và quốc tế, cũng như một số lời khuyên hữu ích cho doanh nghiệp khi đăng ký nhãn hiệu.
Lợi ích của việc đăng ký nhãn hiệu là gì?
Đây thực sự chính là tài sản có giá trị rất lớn đối với quá trình kinh doanh. Bởi trong thời gian gần đây, số lượng đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đã tăng vọt. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ tài sản này. Về cơ bản, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sẽ đem đến các lợi ích sau
Doanh nghiệp độc quyền sử dụng nhãn hiệu
Khi đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp sẽ được pháp luật bảo hộ toàn diện. Theo đó, sẽ không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có quyền sử dụng nhãn hiệu tương tự như bạn, trong cùng lĩnh vực. Điều này sẽ giúp sản phẩm của bạn là độc quyền trên thị trường. Góp phần hạn chế tối đa những sự nhầm lẫn của người tiêu dùng.
Bảo vệ nhãn hiệu doanh nghiệp khỏi các hành vi xâm phạm
Hành vi xâm phạm nhãn hiệu đã được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Điển hình nhất chính là hành vi sử dụng logo, nhãn hiệu tương đương trong cùng lĩnh vực. Nếu không đăng ký nhãn hiệu, sẽ rất khó để bạn có thể đòi lại quyền lợi của mình. Ngược lại, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sẽ là căn cứ pháp lý vững chắc và chống lại hành vi trên.
Nâng tầm giá trị sản phẩm, dịch vụ
Giả sử những sản phẩm có cùng chức năng, bạn sẽ chuộng sản phẩm có nhãn hiệu đã đăng ký hay chưa đăng ký? Chắc rằng đa số các bạn sẽ trả lời rằng mình sẽ ưu tiên cho sản phẩm đã đăng ký hơn. Đây chính là tâm lý chung của khách hàng khi mua sắm. Bởi lẽ sản phẩm mang nhãn hiệu đăng ký sẽ hạn chế tối đa tình trạng làm giả, làm nhái hơn. Đồng thời việc đăng ký bảo hộ sẽ cho thấy sự chuyên nghiệp của nhà cung cấp.
Lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu về cách đặt tên và thiết kế nhãn hiệu
Thứ nhất, nhãn hiệu phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
Phải là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, hình vẽ, hình ảnh, từ ngữ, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó và được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Phải có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của những chủ thể khác.
Thứ hai, tên nhãn hiệu phải gồm một hoặc nhiều từ thì đảm bảo rằng các từ ngữ đó phải dễ đọc, dễ phát âm, dễ viết, dễ nhớ và phù hợp với mục đích quảng cáo trên tất cả các phương tiện truyền thông.
Thứ ba, doanh nghiệp không được phép đặt tên nhãn hiệu có các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với quốc kỳ, quốc huy các quốc gia, tổ chức chính phủ, biểu tượng cờ, đoàn thể, tổ chức quốc tế, nhân vật lịch sử,…
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không được đặt tên nhãn hiệu có những dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối đối với người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, công dụng, chất lượng, tính năng, giá trị hoặc những đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.