Ngày 31/12/2024, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP (“Nghị định 182/2024”) về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Nghị định 182/2024 sẽ có hiệu lực ngay lập tức từ ngày ký ban hành, tức ngày 31/12/2024 và được áp dụng từ năm tài chính 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao (“CNC”) đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.
Theo Nghị định 182/2024, Quỹ Hỗ trợ đầu tư (“Quỹ”) là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý. Quỹ này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận với nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn từ ngân sách Nhà nước và nguồn hợp pháp khác và chi hỗ trợ doanh nghiệp.
Việc hỗ trợ chi phí từ Quỹ được thực hiện theo 02 phương thức (i) hỗ trợ chi phí hàng năm, hoặc (ii) hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp, dự án đáp ứng điều kiện được hỗ trợ từ Quỹ với thời gian hỗ trợ tối đa 5 năm (trừ trường hợp được kéo dài thêm thời gian áp dụng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ), cụ thể như sau:
1. Hỗ trợ chi phí hàng năm
Chính sách này hướng đến việc hỗ trợ tài chính hàng năm cho các doanh nghiệp và dự án đầu tư trong lĩnh vực CNC và Trung tâm nghiên cứu & phát triển (“NC&PT”). Cụ thể:
Đối tượng hỗ trợ/ Tiêu chí | Điều kiện được hỗ trợ | |
(1) Doanh nghiệp CNC.
(2) Doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNC.
(3) Doanh nghiệp có dự án ứng dụng CNC. |
Dự án đầu tư thông thường | Vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm. |
Dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (“TTNT”). | Vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm. | |
Dự án thuộc Danh mục CNC, sản phẩm CNC đột phá được ưu tiên nghiên cứu, phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành. | Không phải đáp ứng tiêu chí về vốn đầu tư hoặc doanh thu tối thiểu. | |
Dự án thiết kế vi mạch. | Không phải đáp ứng tiêu chí về vốn đầu tư hoặc doanh thu tối thiểu nhưng phải có cam kết sử dụng tối thiểu 300 kỹ sư, cán bộ quản lý người Việt Nam sau thời gian 5 năm hoạt động tại Việt Nam và đào tạo được tối thiểu 30 kỹ sư chất lượng cao/năm trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. | |
Lưu ý, các dự án thuộc diện hỗ trợ theo quy mô vốn đầu tư cần đáp ứng thêm yêu cầu về thời hạn giải ngân vốn đầu tư theo từng trường hợp cụ thể. | ||
(4) Doanh nghiệp có dự án đầu tư Trung tâm NC&PT.
|
Có lĩnh vực/sản phẩm thuộc Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư/khuyến khích phát triển. | Vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng và phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương. |
Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chi phí hàng năm cho các hạng mục gồm: (i) đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, (ii) NC&PT, (iii) đầu tư tài sản cố định, (iv) sản xuất sản phẩm CNC, (v) đầu tư công trình hạ tầng xã hội, và (vi) các trường hợp khác theo quyết định của Chính phủ. Mức hỗ trợ của các hạng mục hỗ trợ có thể khác nhau tùy thuộc vào dự án áp dụng và loại chi phí được hỗ trợ, điển hình như doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, Trung tâm dữ liệu TTNT sẽ được nhận hỗ trợ tối đa 3% giá trị sản xuất gia tăng chi phí sản xuất sản phẩm CNC.
2. Hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu
Chính sách ưu đãi đầu tư này sẽ ưu tiên dành cho doanh nghiệp có dự án đầu tư Trung tâm NC&PT trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, TTNT. Theo đó, nếu các doanh nghiệp này thỏa mãn các điều kiện: (i) không có các khoản nợ thuế, nợ ngân sách nhà nước quá hạn tại thời điểm nộp hồ sơ; (ii) đáp ứng các điều kiện của Dự án Trung tâm NC&PT của doanh nghiệp; và (iii) dự án đó có tác động tích cực đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ mới, sản phẩm mới mang tính đột phá của đất nước sẽ được hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư ban đầu của dự án.
Như vậy, Nghị định 182/2024 được ban hành với các chính sách hỗ trợ đầu tư cạnh tranh, đột phá, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi như công nghiệp bán dẫn, TTNT, và thiết kế vi mạch được kỳ vọng không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn góp phần quan trọng làm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, qua đó thu hút được nhiều hơn các dự án quy mô lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực bán dẫn, TTNT.