Ngày 24/5/2017, Luật sư Lê Quang Vy đã đưa ra những ý kiến khách quan của mình dưới góc độ pháp lý cho bài viết với tiêu đề “Nhạc đỏ’ mang án treo: Cấm rồi cho – cho rồi cấm!“, được đăng trên trang báo Tuổi trẻ trực tuyến: tuoitre.vn
***
TTO – Lời xin lỗi công luận đã được phát đi, nhưng nếu xét theo các quy định cấp phép phổ biến bài hát hiện nay thì hàng nghìn bài hát cách mạng đang phải mang “án treo” lơ lửng.
Nếu muốn sàng lọc các bài hát gây hại cho đất nước, xã hội… thì có nhiều rào cản kỹ thuật, chứ không cần thiết phải tạo ra cơ chế xin – choLuật sư Nguyễn Quang Ngọc
Sáng 23-5, cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương lên tiếng xin lỗi công luận vì việc cập nhật danh sách hơn 300 bài “nhạc đỏ” lên website gây hiểu nhầm và bức xúc trong dư luận.
Nguyên do là khi cập nhật các bài hát này, bộ phận kỹ thuật để chung với các bài hát đã được cấp phép trước kia.
Chọn phương án thuận lợi hơn
“Đây là điều đáng tiếc, tạo ra dư luận đáng tiếc trong xã hội. Với cương vị cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, tôi thay mặt tập thể lãnh đạo cục, cá nhân tôi xin nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm trước lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và xin lỗi độc giả vì phương pháp làm việc của chúng tôi đã gây nên sự hiểu nhầm và bức xúc trong bạn đọc” cục trưởng Nguyễn Đăng Chương gửi đến công chúng lời xin lỗi.
Đến chiều 23-5, trên website Cục Nghệ thuật biểu diễn đã dần gỡ những bài “nhạc đỏ” này khỏi danh sách các bài hát đã được cấp phép phổ biến.
Ông Chương đề xuất hai cách làm trong thời gian tới: “Chúng tôi đưa ra hai phương pháp: cập nhật các bài hát đã được phổ biến rộng rãi, hoặc cập nhật những bài hát cấm như ý kiến nhiều người.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chúng tôi nhận thấy việc cập nhật danh sách các bài hát đã phổ biến rộng rãi sẽ thuận lợi hơn cho công tác quản lý nhà nước, thuận lợi hơn cho việc trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp”.
Ông cũng cam kết: “Chúng tôi sẽ quyết liệt thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là đối với những ca khúc đã được phổ biến trong đời sống xã hội, không vi phạm thuần phong mỹ tục, không vi phạm về chuẩn mực đạo đức xã hội, không đi ngược lại với lợi ích của đất nước thì sẽ không cấp phép nữa. Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc việc này và có hướng dẫn với sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch các địa phương.
Đồng thời, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ rà soát, báo cáo lãnh đạo bộ để xin ý kiến sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về nghệ thuật biểu diễn để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý nhà nước và cũng tạo điều kiện cho các đơn vị, các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong thời gian tới”.
Về những sai sót trong danh sách các bài hát đã được phổ biến trên website Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Chương giải thích hiện nay website cục bị trục trặc rất nhiều và đang khắc phục.
Đừng để xảy ra chuyện nực cườiNghị định 79/2012 quy định tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người VN đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phải nộp một bộ hồ sơ xin cấp phép đến Cục Nghệ thuật biểu diễn. Nhưng nghị định 15/2016 sửa đổi, bổ sung nghị định 79/2012 đã bỏ đi cụm từ “tại các tỉnh phía Nam”.
Luật sư Nguyễn Quang Ngọc (Công ty luật quốc tế Thiên Việt) khẳng định nếu hiểu theo quy định tại nghị định 15/2016 thì tất cả ca khúc sáng tác trước năm 1975 trên toàn lãnh thổ VN đều phải xin Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến.
Luật sư Lê Quang Vy – Công ty Phước & Partners – cũng đồng tình việc nghị định 15/2016 bỏ đi cụm từ “tại các tỉnh phía Nam” đã làm người thừa hành đương nhiên hiểu rằng tất cả sáng tác trước năm 1975 ở bất kỳ không gian nào đều phải xin phép phổ biến.
“Tôi không biết rằng khi tham mưu cho Chính phủ nghị định 15 sửa đổi nghị định 79, Cục Nghệ thuật biểu diễn vô ý hay hữu ý bỏ cụm từ “tại các tỉnh phía Nam”?
Nhưng dù là vô ý hay hữu ý thì đều nói lên năng lực yếu kém của ban soạn thảo, chính vì thế mới xảy ra những chuyện nực cười như vừa qua” – luật sư Lê Quang Vy nêu ý kiến.
Nhưng ngay cả khi nghị định 15/2016 giữ lại chữ “tại các tỉnh phía Nam”, nhạc sĩ Phó Đức Phương băn khoăn: “Nghị định cũ đã quy định không chặt chẽ, bởi nếu nói các tác phẩm trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam thì hàng loạt bài hát của văn nghệ giải phóng tại các tỉnh phía Nam cũng phải xin cấp phép phổ biến sao?
Còn theo nghị định mới thì không lẽ toàn bộ các tác phẩm tiền khởi nghĩa, ca ngợi Cách mạng Tháng Tám, ca ngợi hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ca ngợi Bác Hồ… cũng đều phải nộp hồ sơ xin phép cục mới được hát à? Như vậy thì những bài hát như Tiến quân ca (Văn Cao), Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên)… đều phải xin phép mới được hát?”.
Nói một cách khẳng định, luật sư Vy cho rằng sớm hủy bỏ quy định xin cấp phép phổ biến bài hát sáng tác trước năm 1975 là cởi trói cho cả cơ quan quản lý nhà nước và các tác giả cũng như công chúng hưởng thụ nghệ thuật.
Không khéo lại luẩn quẩn “cấm rồi cho, cho rồi cấm” Luật sư Lê Quang Vy nói: “Về chủ trương, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo rất đúng. Do đó khi thực hiện chỉ đạo, về mặt kỹ thuật cần phải định nghĩa thế nào là trái với thuần phong mỹ tục, thế nào là xâm phạm lợi ích quốc gia? Luật pháp cần phải minh bạch, không thể để mỗi người hiểu theo mỗi kiểu khác nhau. Nếu không làm được vậy thì chúng ta vẫn sẽ tiếp tục luẩn quẩn trong cái vòng “cấm rồi cho, cho rồi cấm”. Ngoài ra, khi soạn thảo nghị định, cần phải quy chiếu các đạo luật cho kỹ để nghị định không bị vi luật”. |