Ngày 30/6/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành Thông tư 08/2023/TT-NHNN (“Thông tư 08”) quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh. Thông tư 08 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 và thay thế Thông tư 12/2014/TT-NHNN ban hành ngày 31/3/2014 về cùng nội dung liên quan.
Bản cập nhật pháp lý này cung cấp một số quy định mới đáng chú ý liên quan đến khoản vay nước ngoài (“KVNN”) của doanh nghiệp trong nước không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp:
1. Mục đích vay vốn nước ngoài
Đối với KVNN ngắn hạn: bên đi vay chỉ được sử dụng để (i) cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài, và (ii) thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phải trả bằng tiền (không bao gồm các khoản nợ gốc của khoản vay trong nước) của bên đi vay. Theo đó, các khoản nợ ngắn hạn phải trả được hiểu là các khoản nợ phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án khác của bên đi vay và được xác định theo hướng dẫn về Chế độ kế toán doanh nghiệp [[1]].
Đối với KVNN trung và dài hạn: bên đi vay chỉ được vay để phục vụ các mục đích: (i) thực hiện dự án đầu tư của bên đi vay, (ii) thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự án khác của bên đi vay, và (iii) cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của bên đi vay[[2]].
Ngoài các mục đích vay nêu trên, bên đi vay thuộc đối tượng phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính theo pháp luật chuyên ngành được sử dụng vốn vay ngắn hạn nước ngoài để phục vụ hoạt động nghiệp vụ của mình có thời hạn sử dụng vốn không quá 12 tháng kể từ thời điểm rút vốn KVNN [[3]].
Lưu ý, trước khi vay, bên đi vay phải lập chi tiết Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài/Phương án cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài để chứng minh mục đích được phép vay vốn nước ngoài. Phương án này phải được trình NHNN xem xét như một phần của quy trình đăng ký KVNN để chứng minh nhu cầu vay vốn nước ngoài của bên đi vay là hợp pháp và hợp lý. Hoặc trong trường hợp vay để thực hiện dự án đầu tư, bên đi vay có thể thông qua Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư để chứng mình mục đích vay vốn của mình [[4]].
2. Bảng kê nhu cầu sử dụng vốn
Liên quan đến KVNN ngắn hạn, Thông tư 08 bổ sung một loại chứng từ mới là “Bảng kê nhu cầu sử dụng vốn”. Bảng kê này sẽ được lập để phản ánh cho trường hợp thay đổi về mục đích thanh toán khoản nợ hoặc sử dụng vốn của bên đi vay, bên đi vay phải điều chỉnh Phương án sử dụng vốn nếu có bất kỳ thay đổi nào về Bảng kê nhu cầu sử dụng vốn trước khi diễn ra nội dung thay đổi đó và đảm bảo tuân thủ quy định về trách nhiệm lưu trữ, xuất trình chứng từ phục vụ việc thanh tra, kiểm tra mục đích sử dụng KVNN [[5]]. Có thể thấy, việc bổ sung loại chứng từ này phần nào làm tăng trách nhiệm tuân thủ pháp luật về kế toán cho bên đi vay và thắt chặt tính linh hoạt của việc sử dụng KVNN ngắn hạn của doanh nghiệp.
3. Doanh nghiệp được sử dụng KVNN để gửi tiền tại tổ chức tín dụng
Theo nguyên tắc sử dụng KVNN, bên đi vay tự chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc sử dụng vốn vay nước ngoài đúng mục đích hợp pháp nêu tại mục (1) ở trên. Tuy nhiên, trường hợp khoản vay đã được rút vốn nhưng tạm thời chưa sử dụng cho các mục đích vay nước ngoài, bên đi vay có thể sử dụng nguồn tiền này để gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Kỳ hạn của mỗi khoản tiền gửi tối đa không quá 01 tháng [[6]]. Đây được xem là một phương án sử dụng vốn vay nước ngoài linh hoạt khi cho phép doanh nghiệp được quyền sử dụng KVNN ngoài mục đích vay thông qua việc gửi các khoản tiền vay nước ngoài nhàn rỗi tại các tổ chức tín dụng để hưởng một phần tiền lãi.
4. Chi phí vay nước ngoài
Thông tư 08 yêu cầu bên đi vay và các bên liên quan tự chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến lãi suất và các chi phí KVNN khi thỏa thuận về chi phí vay nước ngoài. Tuy nhiên, Thông tư 08 chưa quy định rõ KVNN của doanh nghiệp có bị áp dụng mức trần lãi suất là 20%/năm theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 hay không và sẽ cần chờ thêm hướng dẫn từ NHNN cho vấn đề này.
Đồng thời, Thông tư 08 cho phép Thống đốc NHNN quyết định việc áp dụng điều kiện vay về chi phí và công bố mức trần chi phí vay nước ngoài trong từng thời kỳ [[7]]. Do đó, để có kế hoạch tái cấp vốn cho các khoản nợ nước ngoài của mình, bên đi vay cần phải theo dõi và lưu ý các chính sách của NHNN trong thời gian tới.
5. KVNN bằng đồng Việt Nam
Thông tư 08 cho phép các KVNN của bên đi vay được giải ngân và trả nợ bằng ngoại tệ nhưng ghi nợ bằng đồng Việt Nam. Quy định này sẽ giúp các bên linh hoạt hơn trong việc cơ cấu các KVNN. Đồng thời, Thông tư 08 cũng nới lỏng cho vay ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam bằng cách bỏ thủ tục phê duyệt của Thống đốc NHNN khi vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam đối với các trường hợp khác [[8]].
6. Tỷ giá cho vay
Đối với các mục đích vay trung và dài hạn nước ngoài, bên đi vay sử dụng tỷ giá hạch toán ngoại tệ do Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) công tại thời điểm ký kết thỏa thuận vay/thỏa thuận thay đổi KVNN, hoặc tại thời điểm lập Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài, hoặc tại thời điểm lập Phương án cơ cấu lại nợ nước ngoài để tính giới hạn vay [[9]].
Tựu chung lại, Thông tư 08 đã sửa đổi và bổ sung các quy định của Thông tư 12/2014/TT-NHNN theo hướng chặt chẽ và phù hợp hơn trong mối tương quan và liên kết với các quy định pháp luật hiện hành khác, giải quyết các vấn đề tồn đọng, phát sinh liên quan đến hoạt động vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp tại Việt Nam khi nhu cầu vay nước ngoài có xu hướng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, để tiếp cận được KVNN tự vay, tự trả, các doanh nghiệp cần phải cẩn trọng trong việc lập Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài cũng như Phương án cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài, vì hai phương án này là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp được xem xét chấp thuận cho vay nước ngoài.
[1] Điều 17.1(a) của Thông tư 08
[2] Điều 17.2 của Thông tư 08
[3] Điều 17.1(b) của Thông tư 08
[4] Điều 7.1, 8.1 và 17.4 của Thông tư 08
[5] Điều 7.3 và 7.4 của Thông tư 08
[6] Điều 6 của Thông tư 08
[7] Điều 12 của Thông tư 08
[8] Điều 10.2 của Thông tư 08
[9] Điều 18.4 và 18.5 của Thông tư 08