Mục tiêu cơ bản của cạnh tranh quốc tế là nhằm bảo vệ các quan hệ cạnh tranh dựa trên các yếu tố công bằng, minh bạch và làm động lực phát triển xu thế hội nhập kinh tế, phù hợp với các cam kết quốc tế. Trong bài viết này, mời quý khách tham khảo một số nội dung thông tin cơ bản về cạnh tranh quốc tế!
Tìm hiểu về Cạnh tranh quốc tế
Cạnh tranh quốc tế là một tập hợp các quy tắc và quy định nhằm điều chỉnh hành vi cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Mục tiêu của cạnh tranh quốc tế là đảm bảo sự cân bằng và công bằng trong hoạt động kinh doanh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc thiệt hại cho thị trường.
Một số tổ chức quan trọng tham gia vào việc phát triển và thực thi Cạnh tranh quốc tế
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization), viết tắt là WTO được thành lập và hoạt động từ 01/01/1995. Tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và hỗ trợ thực hiện các quy tắc cạnh tranh quốc tế; thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch.
WTO được thành lập với 04 nhiệm vụ chủ yếu:
- Thúc đẩy việc thực hiện các Hiệp định và cam kết đã đạt được trong khuôn khổ WTO (và cả những cam kết trong tương lai, nếu có);
- Tạo diễn đàn để các thành viên tiếp tục đàm phán, ký kết những Hiệp định, cam kết mới về tự do hoá và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại;
- Giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh giữa các thành viên WTO; và
- Rà soát định kỳ các chính sách thương mại của các thành viên.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)
Thành lập năm 1961, hiện có 34 thành viên, chủ yếu là các nước phát triển. OECD cung cấp nguyên tắc và hướng dẫn cho các quốc gia thành viên liên quan đến chính sách cạnh tranh và thực thi. Các nguyên tắc này nhấn mạnh sự cần thiết của sự cạnh tranh lành mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế số và kinh doanh toàn cầu.
Mục đích của OECD là tăng cường hợp tác kinh tế, phối hợp chính sách giữa các nước thành viên về các vấn đề kinh tế thế giới và phát triển.
Chức năng của OECD là diễn đàn đối thoại giữa các nước thành viên, các tổ chức quốc tế và giới nghiên cứu về các vấn đề kinh tế – xã hội; tiến hành nghiên cứu, dự báo, đưa ra khuyến nghị và tư vấn các nước thành viên trong hoạch định, phối hợp chính sách phát triển kinh tế – xã hội.
Hiệp hội Cạnh tranh Quốc tế (International Competition Network – ICN)
Đây là một mạng lưới gồm các cơ quan cạnh tranh quốc gia và khu vực nhằm thúc đẩy hợp tác và trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan đến cạnh tranh.
Luật cạnh tranh quốc tế thường xuyên tập trung vào những hành vi nào?
Luật cạnh tranh quốc tế thường xuyên tập trung vào những hành vi sau:
- Các hợp đồng và thỏa thuận cản trở cạnh tranh: đây bao gồm các hành vi như giới hạn cạnh tranh, thỏa thuận chia thị trường hoặc giá cả, gian lận đấu thầu.
- Lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường: các doanh nghiệp sử dụng vị thế thống trị thị trường để cản trở cạnh tranh, chẳng hạn như hành vi áp đặt giá thấp để loại bỏ đối thủ nhỏ hơn.
- Các thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A): các thương vụ M&A có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh nếu chúng dẫn đến tạo lập một thị trường quá thống nhất hoặc giới hạn sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
- Hành vi độc quyền và pháp lý liên quan đến bằng sáng chế: các hành vi độc quyền trong việc sở hữu bằng sáng chế có thể cản trở cạnh tranh bình đẳng.
- Trợ cấp nhà nước: các biện pháp trợ cấp từ chính phủ có thể tạo ra sự thiếu cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, thực tế là các quy định và quy tắc cạnh tranh quốc tế có thể thay đổi theo từng thời kỳ và tùy theo quốc gia, vì vậy việc nắm bắt thông tin mới nhất là rất quan trọng.
Tìm hiểu thêm về Luật cạnh tranh tại Việt Nam – những điểm mới nhất cần nắm rõ
Những quy định bị bãi bỏ
- Bỏ hành vi tập trung kinh tế ra khỏi khái niệm hành vi hạn chế cạnh tranh (Khoản 2 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018);
- Khái niệm về bí mật kinh doanh (Khoản 10 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004);
- Khái niệm về bán hàng đa cấp (Khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004).
Những quy định mới được bổ sung
- Nguyên tắc cạnh tranh công bằng và lành mạnh trong quyền và nguyên tắc cạnh tranh trong kinh doanh (Khoản 2 Điều 5);
- Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến cạnh tranh của cơ quan nhà nước (Điều 8);
- Quy định về cách thức xác định thị phần và thị phần kết hợp (Điều 10);
- Hành vi thỏa thuận cạnh tranh (Điều 11);
- Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm: thỏa thuận giữa các doanh nghiệp trên cùng một thị trường liên quan gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định (Điều 12);
- Miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm: miễn trừ của các ngành, lĩnh vực đặc thù (Điều 14);
- Bổ sung thêm thành phần hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm và đưa bổ sung quy định: doanh nghiệp tham gia hạn chế cạnh tranh bị cấm nộp hồ sơ (Điều 15);
- Quy định về bãi bỏ quyết định miễn trừ: dựa trên thông tin, tài liệu không chính xác về điều kiện được miễn trừ (Điều 23);
- Lưu ý khi xác định về doanh nghiệp thống lĩnh thị trường: Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan (Điều 24);
- Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm (Điều 27);
- Hậu quả pháp lý “chấm dứt hoạt động kinh doanh” của doanh nghiệp bị sáp nhập, hợp nhất (Điều 29);
- Mua lại doanh nghiệp: đưa ra thêm quy định mua lại trực tiếp/gián tiếp (Điều 29);
- Hồ sơ thông báo tập trung kinh tế: dự thảo nội dung thỏa thuận tập trung kinh tế; phương án khắc phục khả năng gây hạn chế cạnh tranh, báo cáo tác động tích cực của việc tập trung kinh tế (Điều 34).
Những quy định hoàn toàn mới
- Đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (Điều 13);
- Thời hạn được miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh: 05 năm (Điều 21);
- Xác định sức mạnh thị trường đánh kể (Điều 26);
- Đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế (Điều 31);
- Đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế (Điều 32);
- Thẩm định việc tập trung kinh tế: thẩm định, quyết định về việc tập trung kinh tế; tập trung kinh tế có điều kiện, hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế (từ Điều 36 đến Điều 40);
- Quyết định về việc tập trung kinh tế và Tập trung kinh tế có điều kiện (Điều 41, 42);
- Các hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế (Điều 44);
- Lập nên Ủy ban cạnh tranh quốc gia, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và các hoạt động của Ủy ban này (Chương VII).
Trên đây là những thông tin tham khảo về cạnh tranh quốc tế. Để được tư vấn và hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến cạnh tranh quốc tế chi tiết nhất, quý khách vui lòng liên hệ đến GV Lawyers theo số hotline 028 3622 3555!