Trọng tài viên là những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện do pháp luật quy định được các bên tranh chấp lựa chọn hoặc chỉ định để giải quyết các tranh chấp theo đúng thủ tục trọng tài được quy định trong Luật trọng tài thương mại.
Để hiểu rõ hơn về trọng tài viên là gì? Các công việc cơ bản cùng điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành trọng tài viên, mời các bạn tham khảo ngay các thông tin mà Luật GV Lawyers chia sẻ trong bài viết dưới đây nhé!
Tìm hiểu về trọng tài viên trong Luật trọng tài thương mại
Tại Khoản 5, Điều 3 trong Luật Trọng tài thương mại 2010 có giải thích rõ
Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này.
Có thể hiểu, khi xảy ra các tranh chấp mà các bên thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài thì khi đó, các bên liên quan sẽ lựa chọn trọng tài viên hoặc trọng tài viên sẽ được chỉ định để đứng ra giải quyết tranh chấp. Trọng tài viên sẽ là người làm việc theo đúng yêu cầu của các bên đương sự có tranh chấp.
Trọng tài viên là những người nắm giữ vai trò quan trọng nhất, trực tiếp tác động đến tính công bằng, minh bạch và chính xác của phán quyết, đến quyền lợi của các bên trong quá trình giải quyết các tranh chấp bằng trọng tài. Do đó, trọng tài viên khi đảm nhiệm vai trò là người giải quyết tranh chấp phải dựa trên các nguyên tắc như độc lập, khách quan, vô tư và phải luôn tuân theo quy định của pháp luật
Các công việc cơ bản của trọng tài viên
Nhiệm vụ của trọng tài viên là người đứng ra giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các bên liên quan, làm chấm dứt những xung đột giữa các bên và trọng tài viên khi thực hiện giải quyết một tranh chấp sẽ đưa ra một quyết định buộc các bên phải thực hiện.
Theo quy định tại Điều 39 trong Luật Trọng tài thương mại 2010, khi xảy ra tranh chấp và được giải quyết bằng trọng tài thì Hội đồng trọng tài sẽ được thành lập, gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên liên quan, và thực hiện các công việc cần thiết để giải quyết tranh chấp, cụ thể:
Công việc 1
– Gặp và trao đổi với các bên liên quan trong tranh chấp để làm sáng tỏ các vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp. Tự mình hoặc theo yêu cầu của các bên tìm hiểu sự việc với người thứ ba. (Theo Điều 40 trong Luật Trọng tài thương mại 2010).
Công việc 2
– Thực hiện các công việc cần thiết để giải quyết tranh chấp như: Thu thập thông tin, tài liệu, thu thập chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp; tham vấn ý kiến của các chuyên gia; trưng cầu giám định, định giá tài sản trong vụ tranh chấp để làm căn cứ giải quyết cho vụ tranh chấp; triệu tập người làm chứng tại phiên họp giải quyết tranh chấp. (Điều 46, Điều 47 trong Luật Trọng tài thương mại 2010).
Công việc 3
– Áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu như thấy cần thiết, bổ sung, thay đổi, hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. (Theo Điều 49, Điều 51 trong Luật Trọng tài thương mại 2010).
Công việc 4
– Mở phiên họp giải quyết tranh chấp, tiến hành việc hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Đưa ra phán quyết trọng tài đối với vụ việc tranh chấp đang giải quyết. (Theo Điều 55, Điều 58 và Điều 60 trong Luật Trọng tài thương mại 2010).
Để trở thành trọng tài viên theo Luật trọng tài thương mại cần những yếu tố nào?
Điều kiện và tiêu chuẩn trở thành trọng tài viên
Theo Khoản 1, Điều 20 trong Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định các tiêu chuẩn của trọng tài viên chi tiết như sau:
Điều 20. Tiêu chuẩn Trọng tài viên
- Những người có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể làm Trọng tài viên:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự;
- Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên;
- Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên.
Trường hợp không thể trở thành trọng tài viên
Theo Khoản 2, Điều 20 trong Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định về các trường hợp không thể trở thành trọng tài viên chi tiết như sau:
Những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trọng tài viên:
Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án;
Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
Kết luận:
Như vậy, khi một người muốn trở thành trọng tài viên chuyên nghiệp thì cần phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có trình độ đại học và đã có thời gian thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên. Tuy nhiên nếu không đáp ứng được điều kiện về chuyên môn nêu trên nhưng họ là những chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn thì cũng có thể trở thành một trọng tài viên.
Bên cạnh đó, một điều kiện nữa là người muốn trở thành trọng tài viên không đang là Thẩm phán, Điều tra viện, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án hoặc đang là bị can, bị cáo, người đang phải chấp hành bản án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
Những tiêu chuẩn về trọng tài viên nêu trên chỉ là những tiêu chuẩn tối thiểu do Luật quy định ra nhằm đảm bảo chất lượng của trọng tài viên, các Trung tâm trọng tài có thể đưa ra các quy định, tiêu chuẩn cao hơn đối với Trọng tài viên của tổ chức mình tùy thuộc vào ý chí mong muốn của mỗi Trung tâm miễn sao không trái với quy định của pháp luật.
Quyền và nghĩa vụ của trọng tài viên được quy định trong Luật trọng tài thương mại
Căn cứ vào Điều 21 trong Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định về quyền, nghĩa vụ của Trọng tài viên như sau:
Điều 21: Quyền, nghĩa vụ của Trọng tài viên
- Chấp nhận hoặc từ chối giải quyết tranh chấp.
- Độc lập trong việc giải quyết tranh chấp.
- Từ chối cung cấp các thông tin liên quan đến vụ tranh chấp.
- Được hưởng thù lao.
- Giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm giải quyết tranh chấp vô tư, nhanh chóng, kịp thời.
- Tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Theo đó, Trọng tài viên có các quyền và nghĩa vụ được quy định rõ ràng tại Điều 21 nêu trên, trong đó có nghĩa vụ về tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Trên đây là những thông tin chia sẻ liên quan về trọng tài viên để các bạn tham khảo. Nếu các bạn cần hỗ trợ tư vấn chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến Luật, hãy liên hệ ngay đến Luật GV Lawyers qua thông tin chi tiết được chia sẻ ở phần dưới chân trang website nhé!