Trong bài viết này, GV Lawyers sẽ tổng hợp và chia sẻ đến Quý khách một số thông tin về trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế. Tìm hiểu về đặc điểm của trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế. Tìm hiểu về ưu và nhược điểm của trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế.
Tìm hiểu về trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế là gì?
Trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế được định nghĩa rất rõ trong Luật trọng tài thương mại 2010.
Trọng tài vụ việc
Theo Khoản 7, Điều 3, trong Luật trọng tài thương mại 2010 có định nghĩa cụ thể như sau:
Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này và trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận.
Trọng tài quy chế
Theo Khoản 6, Điều 3, trong Luật trọng tài thương mại 2010 có định nghĩa cụ thể như sau:
Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật này và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó.
Đặc điểm của trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế
Trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế về bản chất và đặc điểm đều có sự khác biệt riêng.
Đặc điểm của trọng tài vụ việc
Đối với trọng tài vụ việc, bản chất của hình thức giải quyết tranh chấp này chính là phải có sự thỏa thuận lựa chọn của các bên tham gia quan hệ hợp đồng thương mại. Các bên được toàn quyền quyết định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp. Trọng tài vụ việc sẽ chấm dứt khi vụ việc đã được giải quyết xong.
Đặc điểm của trọng tài vụ việc:
- Hội đồng trọng tài vụ việc được thành lập khi tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng thương mại phát sinh và giải thể sau khi vụ tranh chấp này kết thúc.
- Quy tắc tố tụng và lựa chọn Trọng tài viên do các bên tự thỏa thuận.
- Không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành và danh sách trọng tài viên cố định.
Đặc điểm của trọng tài quy chế
Đối với trọng tài quy chế, việc thành lập và chấm dứt đối với loại trọng tài này được tuân theo các quy định của pháp lệnh trọng tài. Các bên tranh chấp không thể đưa ra quyết định trong việc lựa chọn Trọng tài viên cũng những trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp.
Trọng tài quy chế có đặc điểm như sau:
- Hội đồng trọng tài sẽ được thành lập theo quy chế riêng của trung tâm trọng tài để giải quyết cho từng vụ tranh chấp nhất định.
- Có quy tắc tố tụng và danh sách trọng tài viên cố định.
- Có trụ sở cố định, bộ máy điều hành và các phòng ban chức năng cố định.
Ưu nhược điểm của trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế
Ưu điểm của trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế
Trọng tài vụ việc
Ưu điểm của loại trọng tài này là các bên tranh chấp có quyền quyết định tối đa, danh sách Trọng tài viên trong hội đồng trọng tài vụ việc là không giới hạn. Đồng thời, do xuất phát từ việc các bên có sự thỏa thuận về thủ tục giải quyết cho nên có thể rút ngắn được thời gian giải quyết tranh chấp, từ đó, ít tốn kém về mặt chi phí.
Trọng tài quy chế
Các bên tranh chấp sẽ không cần phụ thuộc vào lẫn nhau vì có trình tự, thủ tục chi tiết để áp dụng chung. Danh sách trọng tài viên đảm bảo về chuyên môn và đa dạng lĩnh vực, ngành nghề. Phán quyết có tính chung thẩm và hiệu lực ngang với bản án của Tòa án mà không cần đăng ký.
Nhược điểm của trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế
Trọng tài vụ việc
- Không có quy chế riêng nên khó có thể ràng buộc các bên tham gia quá trình giải quyết tranh chấp.
- Khó có thể lường trước được những vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp dẫn đến việc có thể xảy ra tình trạng tranh chấp chồng tranh chấp.
- Để có thể thi hành phán quyết, cần phải đăng ký tại Tòa án gây tốn kém thời gian.
Trọng tài quy chế
- Trình tự, thủ tục tuân theo quy chế riêng nên không thể tự ý rút ngắn thời hạn.
- Quyền định đoạt của các bên không cao.
- Việc tham gia giải quyết tranh chấp phải được thực hiện ở trụ sở, chi nhánh của cơ sở trọng tài có thể gây bất lợi về việc di chuyển cho một hoặc các bên
Quy định thành lập hội đồng trọng tài vụ việc
Theo Điều 42, Luật trọng tài thương mại 2010 có quy định rõ ràng về việc thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc như sau:
Trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, việc thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc được quy định như sau:
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn phải chọn Trọng tài viên và thông báo cho nguyên đơn biết Trọng tài viên mà mình chọn. Hết thời hạn này, nếu bị đơn không thông báo cho nguyên đơn tên Trọng tài viên mà mình chọn và các bên không có thỏa thuận khác về việc chỉ định Trọng tài viên, thì nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn;
- Trường hợp vụ tranh chấp có nhiều bị đơn, thì các bị đơn phải thống nhất chọn Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo. Hết thời hạn này, nếu các bị đơn không chọn được Trọng tài viên và nếu các bên không có thỏa thuận khác về việc chỉ định Trọng tài viên, thì một hoặc các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên cho các bị đơn;
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được các bên chọn hoặc được Tòa án chỉ định, các Trọng tài viên bầu một Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Trong trường hợp không bầu được Chủ tịch Hội đồng trọng tài và các bên không có thoả thuận khác thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài;
- Trong trường hợp các bên thoả thuận vụ tranh chấp do một Trọng tài viên duy nhất giải quyết nhưng không chọn được Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện, nếu các bên không có thoả thuận yêu cầu một Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên duy nhất;
- Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của các bên quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều này, Chánh án Tòa án có thẩm quyền phải phân công một Thẩm phán chỉ định Trọng tài viên và thông báo cho các bên.
Trên đây là những thông tin tham khảo về phòng thương mại quốc tế. Để được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến Luật, Quý khách hãy liên hệ đến GV Lawyers qua thông tin chi tiết bên dưới website.