Ngày 12/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP (“Nghị định 38/2022”) quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định 38/2022 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2022 và thay thế Nghị định 90/2019/NĐ-CP với những điểm mới đáng chú ý mà doanh nghiệp và người lao động đang quan tâm như sau:
1. Tăng mức lương tối thiểu tháng
Nghị định 38/2022 quy định mức lương tối thiểu tháng đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động được tăng lên như sau:
- Vùng I: 4.680.000 đồng (tăng 260.000 đồng so với quy định trước đây).
- Vùng II: 4.160.000 đồng (tăng 240.000 đồng so với quy định trước đây).
- Vùng III: 3.640.000 đồng (tăng 210.000 đồng so với quy định trước đây).
- Vùng IV: 3.250.000 đồng (tăng 180.000 đồng so với quy định trước đây).
Danh mục địa bàn chi tiết theo Vùng được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022.
2. Áp dụng mức lương tối thiểu giờ
Lần đầu tiên Nghị định 38/2022 quy định mức lương tối thiểu giờ, mặc dù Bộ luật Lao động 2012 và Bộ luật Lao động 2019 đều đã có đề cập đến việc xác định mức lương tối thiểu theo giờ. Theo đó, mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
Mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo Danh mục địa bàn được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022 như sau:
- Vùng I: 22.500 đồng;
- Vùng II: 20.000 đồng;
- Vùng III: 17.500 đồng; và
- Vùng IV: 15.600 đồng.
3. Bỏ quy định về lương tối thiểu cao hơn 7% cho người đã qua học nghề, đào tạo nghề
Theo khoản 1 Điều 4 của Nghị định 38/2022, mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
Như vậy, so với Nghị định 90/2019/NĐ-CP, Nghị định 38/2022 đã bỏ quy định đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề (tức có bằng nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học,…) thì được trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đã quy định. Do đó, việc trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng cho người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề không còn bắt buộc đối với người sử dụng lao động.
Ngoài những điểm mới đáng lưu ý nêu trên, Nghị định 38/2022 còn điều chỉnh lại các địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng như: bổ sung thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh vào Vùng I, chuyển thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, huyện Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai từ Vùng II lên Vùng I, …