GV Lawyers xin tiếp tục giới thiệu đến quý đối tác và quý độc giả bản tin Thông báo pháp luật số thứ 2 của tháng 9-2021
Nhằm hỗ trợ tháo gỡ kịp thời những khó khăn và vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp do tác động bởi đại dịch Covid-19, ngày 09/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị Quyết số 105/NQ-CP (Nghị Quyết 105) về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 với những chính sách mới tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
1. Doanh nghiệp được nhập khẩu vaccine và tự test Covid-19
Doanh nghiệp được quyền nhập khẩu vaccine; mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm; tự xét nghiệm cho người lao động và quan trọng hơn, kết quả xét nghiệm đó được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
2. Mở rộng đối tượng lao động được ưu tiên tiêm vaccine
Nghị Quyết 105 bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine là người lao động của (i) doanh nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; (ii) doanh nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đang có đơn hàng sản xuất, hoạt động xuất, nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động; và (iii) doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa, cảng biển.
Người làm việc tại các công trình trọng điểm quốc gia và địa phương và người lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao cũng sẽ được ưu tiên tiêm vaccine.
3. Không được quy định thêm các loại giấy phép “con” cản trở lưu thông hàng hoá
Nghị quyết 105 nghiêm cấm các địa phương tạo ra các loại giấy phép “con”, các điều kiện cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất.
4. Doanh nghiệm được miễn, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội và phí công đoàn
Doanh nghiệp và người lao động sẽ được giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn; miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 và miễn nộp đoàn phí công đoàn cho đoàn viên tại Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022.
5. Doanh nghiệp được nộp chứng từ bản scan để thông quan hàng hoá
Doanh nghiệp chỉ cần nộp bản scan có xác nhận bằng chữ ký số với các chứng từ phải nộp bản giấy dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực để giải quyết ách tắc khi thông quan hàng hoá. Các giấy tờ này sẽ được nộp bổ sung sau khi hàng hoá được thông quan để hậu kiểm.
6. Tiếp tục bổ sung chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Bên cạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bổ sung chính sách ưu đãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí hoặc giữ nguyên nhóm nợ.
7. Nới lỏng điều kiện cấp, gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài
Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ được nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động được quy định tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP như điều kiện về bằng cấp và số năm kinh nghiệm làm việc phù hợp, chuyên môn kỹ thuật cũng như các ác giấy tờ chứng minh chuyên gia, lao động kỹ thuật.
Nghị quyết 105 cho phép người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực được cử, điều động hoặc biệt phái đến làm việc tại tỉnh, thành phố khác với thời hạn không quá 6 tháng mà không phải làm lại giấy phép lao động. Doanh nghiệp chỉ cần báo cáo với cơ quan quản lý lao động nơi người lao động nước ngoài đến làm việc.
Nghị Quyết 105 có hiệu lực thi hành từ ngày 09/9/2021.