Đăng ký nhãn hiệu là một trong những thủ tục quan trọng mà doanh nghiệp cần thực hiện. Nhãn hiệu được xem là nền tảng cho sự phát triển tài sản hữu hình và cũng là tài sản vô hình lớn nhất của doanh nghiệp. Nhãn hiệu của hàng hóa, dịch vụ chính là thứ gắn liền với uy tín, chất lượng, niềm tin khách hàng dành cho sản phẩm và dịch vụ cụ thể. Vậy thủ tục đăng ký được thực hiện ra sao theo đúng quy định pháp luật. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu nội dung này, qua bài viết sau đây.
Chủ thể được quyền đăng ký nhãn hiệu
Chủ thể được tiến hành đăng ký nhãn hiệu gồm cả cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp (theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ). Trong đó, gồm có:
- Cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam;
- Cá nhân và tổ chức nước ngoài.
Nếu như chủ thể là cá nhân và công ty Việt Nam có thể tự mình đăng ký nhãn hiệu trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc có thể thông qua đại diện sở hữu trí tuệ để thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Đối với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài muốn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam buộc phải tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu thông qua những công ty đại diện Sở hữu trí tuệ.
Lưu ý: Nhãn hiệu cho dù đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nếu không được sử dụng trong thời hạn 05 năm liên tục sẽ bị các chủ thể khác yêu cầu chấm dứt hiệu lực.
Phân nhóm sản phẩm, hàng hóa của nhãn hiệu
Phân nhóm nhãn hiệu đăng ký dựa theo Bảng phân loại quốc tế về nhãn hiệu (Bảng phân loại Ni-xơ) được cả thế giới áp dụng. Tất cả hàng hóa và dịch vụ trên thị trường có rất nhiều loại nhưng theo Bảng phân loại nhãn hiệu có tất cả 45 nhóm. Trong đó, 34 nhóm cho hàng hóa và 11 nhóm cho dịch vụ. Tại Việt Nam, mức phí đăng ký nhãn hiệu được căn cứ theo nhóm hàng hóa và dịch vụ đăng ký nhãn hiệu. Do đó, khách hàng càng đăng ký nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ sẽ càng tăng mức phí đăng ký.
Các bước tiến hành tra cứu và đăng ký nhãn hiệu
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân xác lập quyền đối với nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ của mình trước khi ra tung ra thị trường một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp nhất. Công ty Luật GV Lawyers hướng dẫn quy trình tra cứu, đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa và dịch vụ trong năm 2020 như sau:
Bước 1: Tra cứu nhãn hiệu
Sau khi tra cứu sơ bộ nhãn hiệu có khả năng đăng ký thì tra cứu chuyên sâu qua dữ liệu Việt Nam, quốc tế để đánh giá cao nhất khả năng về cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu. Đây không phải là bước bắt buộc, tuy nhiên cần thực hiện để tăng khả năng đăng ký nhãn hiệu và tiết kiệm thời gian.
Tra cứu chuyên sâu là thủ tục hoàn toàn tự nguyện từ người nộp đơn. Tuy nhiên, nên tiến hành thủ tục này vì đây là bước đầu tiên, quan trọng để đánh giá sơ bộ một nhãn hiệu có nên nộp đơn đăng ký bảo hộ hay không?
Hồ sơ tra cứu nhãn hiệu khách hàng cần chuẩn bị gồm có: 03 mẫu nhãn hiệu có kích thước lớn hơn 3×3 cm và không vượt quá 8×8 cm.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, theo dõi quá trình đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ
Giai đoạn 1: Nộp tờ khai đăng ký nhãn hiệu (nộp đơn đăng ký nhãn hiệu):
Sau khi tra cứu chuyên sâu và nhãn hiệu được đánh giá là có đủ khả năng, doanh nghiệp sẽ tiến hành đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho đơn đăng ký.
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu khách hàng cần chuẩn bị như sau:
- Giấy uỷ quyền (mẫu gửi kèm);
- 01 mẫu nhãn hiệu (không nhỏ hơn 3×3 cm và không vượt quá 8×8 cm);
- Danh mục sản phẩm và dịch vụ dự định đăng ký nhãn hiệu.
Ngoài những tài liệu cần thiết nêu trên khi công ty đăng ký nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận hồ sơ cần cung cấp bổ sung như sau:
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hay nhãn hiệu chứng nhận;
- Bản thuyết minh về tính chất và chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể áp dụng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc có thể là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);
- Bản đồ xác nhận lãnh thổ (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận về nguồn gốc địa lý của sản phẩm).
Cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam: Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Kết quả giai đoạn 1: Tờ khai đăng ký nhãn hiệu
Giai đoạn 2: Thẩm định về hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu
Thời hạn thẩm định dựa vào hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét đơn có đủ điều kiện về hình thức, chủ sở hữu đơn, mẫu nhãn, quyền nộp đơn, phân nhóm,…
Nếu đơn đăng ký của doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, đồng thời cho đăng công bố đơn.
Nếu đơn đăng ký của doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo không chấp nhận đơn, đề nghị doanh nghiệp sửa đổi. Doanh nghiệp tiến hành sửa đổi theo đúng yêu cầu và nộp công văn sửa đổi cho Cục sở hữu trí tuệ.
Kết quả giai đoạn 2 của đơn đăng ký nhãn hiệu: Chấp nhận đơn hợp lệ của doanh nghiệp
Thời hạn công bố đơn đăng ký nhãn hiệu: 02 tháng kể từ ngày có Thông báo chấp nhận đơn đăng ký hợp lệ.
Nội dung công bố đơn đăng ký nhãn hiệu là những thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và mẫu nhãn hiệu, danh mục hàng hóa, dịch vụ kèm theo.
Giai đoạn 3: Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu
Thời hạn thẩm định nội dung: 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Cục sở hữu trí tuệ xem xét những điều kiện đăng ký nhãn hiệu từ đó đánh giá khả năng cấp văn bằng cho những nhãn hiệu mà doanh nghiệp đăng ký. Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu đáp ứng đủ các điều kiện thì Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo dự định cấp văn bằng đối với nhãn hiệu mà doanh nghiệp đã đăng ký.
Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu không đáp ứng đầy đủ điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo không cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà doanh nghiệp đã đăng ký. Doanh nghiệp xem xét, gửi công văn trả lời và khiếu nại quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời đưa ra những căn cứ để cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho nhãn hiệu của doanh nghiệp.
Kết quả giai đoạn 3: Thông báo về dự định cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, nộp lệ phí cấp bằng
Giai đoạn 4: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và bàn giao cho khách hàng
Kết quả giai đoạn 4: Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Thời hạn cấp văn bằng từ 02-03 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp văn bằng.
Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu
Nhãn hiệu được bảo hộ trong thời gian 10 năm kể từ ngày nộp đơn (ngày ưu tiên). Doanh nghiệp được gia hạn văn bằng bảo hộ, và không hạn chế số lần gia hạn. Do đó, nhãn hiệu sẽ là tài sản xuyên suốt quá trình hoạt động và kinh doanh của doanh nghiệp.
Một số lưu ý khi thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu
Lưu ý về đăng ký nhãn hiệu với việc đăng ký tên thương mại, tên miền và đăng ký bản quyền tác phẩm mỹ thuật ứng dụng cho logo (nhãn hiệu hình)
- Sự đồng nhất giữa việc đăng ký nhãn hiệu, tên thương mại của doanh nghiệp;
- Sự đồng nhất giữa việc đăng ký nhãn hiệu với tên miền;
- Sự đồng nhất giữa việc đăng ký nhãn hiệu, đăng ký bản quyền tác giả mỹ thuật ứng dụng đối với các nhãn hiệu có phần hình và phần chữ;
- Lưu ý về màu sắc khi đăng ký nhãn hiệu: Theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam không có những quy định cụ thể về phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đen – trắng hay nhãn hiệu màu, cũng như đăng ký nhãn hiệu đen – trắng, thậm chí đăng ký nhãn hiệu màu tuyệt đối quyền cho chủ sở hữu đơn. Tuy nhiên, thực tiễn bảo hộ về nhãn hiệu ở Việt Nam cho phép một nhãn hiệu đăng ký ở dạng đen-trắng có thể được sử dụng ở những dạng màu sắc khác nhau. Miễn là vẫn giữ nguyên được những nội dung chữ/hình của nhãn hiệu, đồng thời không xâm phạm quyền đối với một nhãn hiệu đen-trắng hay màu của người khác đã được đăng ký.
- Lưu ý về đăng ký nhãn hiệu hình (logo), nhãn hiệu chữ và câu định vị (slogan) khi đăng ký nhãn hiệu:
- Nhãn hiệu hình (logo): Có thể đăng ký độc lập bảo hộ với tư cách là một nhãn hiệu hoặc có thể kết hợp với phần chữ của nhãn hiệu và câu định vị khi đăng ký nhãn hiệu.
- Nhãn hiệu chữ: Khi đăng ký nhãn hiệu chữ chủ đơn đăng ký có thể lựa chọn những hình thức của chữ nhãn hiệu đăng ký theo các dạng sau:
- Dạng đăng ký nhãn hiệu chữ thứ nhất: Đơn thuần cấu tạo từ những chữ in hoặc chữ số dạng tiêu chuẩn, chỉ ở dạng màu đen – trắng, đơn giản. Chủ nhãn hiệu chữ tiêu chuẩn có quyền sử dụng khá rộng đối với nhãn hiệu đã đăng ký và đó là quyền sử dụng nhãn hiệu trong các dạng chữ hoặc có thể màu sắc bất kỳ mà mình muốn miễn là không xâm phạm quyền của một nhãn hiệu khác đã được bảo hộ. Việc sử dụng như vậy sẽ không phương hại đến các nội dung được bảo hộ của nhãn hiệu.
- Dạng đăng ký nhãn hiệu chữ thứ hai: Cấu tạo từ những chữ cái, từ ngữ và chữ số được cách điệu hoặc có thể hình họa hóa hoặc chứa màu sắc. Nhãn hiệu được đăng ký nhãn hiệu ở dạng này hiển nhiên cũng được bảo hộ cả về mặt nội dung cốt lõi của nhãn hiệu đó là kết cấu chữ cái, phát âm, ý nghĩa của từ (nếu có) như nhãn hiệu chữ in tiêu chuẩn. Tuy nhiên, do nhãn hiệu còn được bảo hộ thêm cách trình bày (kiểu chữ hoặc có thể kiểu trình bày đặc biệt) nên hiệu lực bảo hộ của nó cũng được tăng cường mạnh hơn chống lại được những ý đồ của đối thủ cạnh tranh tiếp cận nhãn hiệu không chỉ về nội dung mà còn cả cách thể hiện của nhãn hiệu.
Lưu ý về quyền ưu tiên ảnh hưởng đến đơn đăng ký nhãn hiệu
Quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu cũng ảnh hưởng đến việc cấp hay có thể không cấp văn bằng bảo hộ cho đơn đăng ký nhãn hiệu của chủ thể khác. Theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và những điều ước quốc tế liên quan thì trong thời gian kể từ ngày nộp đơn đầu tiên đến ngày nộp đơn ở Việt Nam mà có chủ thể khác nộp đơn cùng đối tượng trong đơn đầu tiên thì đơn của người nộp đầu tiên vẫn được xem là có cùng ngày nộp đơn với ngày nộp đơn đầu tiên, đồng thời được ưu tiên bảo hộ. Chính vì lẽ đó mà không ai dám khẳng định nhãn hiệu cứ nộp đơn, đã tra cứu tình trạng đăng ký nhãn hiệu nhằm đảm bảo chắc chắn sẽ được cấp văn bằng bảo hộ.
Một số lưu ý khi thiết kế, lựa chọn đăng ký nhãn hiệu
- Để đảm bảo có khả năng về bảo hộ độc quyền đối với nhãn hiệu của doanh nghiệp mình, doanh nghiệp cần thiết kế nhãn hiệu nhằm đảm bảo được tính độc đáo và phản ánh nét riêng biệt cho hàng hóa, dịch vụ của mình. Đồng thời phải có sự khác biệt với những nhãn hiệu của đơn vị khác.
- Nhãn hiệu có thể kết hợp giữa chữ với hình. Trong trường hợp nhãn hiệu chỉ là chữ nên có cách điệu để có thể được cấp văn bằng bảo hộ khi đăng ký nhãn hiệu.
- Một số yếu tố không được cấp văn bằng bảo hộ (tức những dấu hiệu loại trừ không nên sử dụng làm nhãn hiệu) bao gồm:
- Nhãn hiệu không nên thiết kế là hình và hìnhhọc đơn giản, chữ cái, chữ số, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng;
- Nhãn hiệu không nên thiết kế là dấu hiệu hay biểu tượng quy ước, hình vẽ, tên gọi thông thường của hàng hoá và dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào (như dịch sang tiếng Anh, tiếng Nhật, Tiếng Tàu, có thể tiếng La tinh…);
- Nhãn hiệu không nên thiết kế là dấu hiệu chỉ thời gian và địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, công dụng, thành phần, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá và dịch vụ;
- Nhãn hiệu không nên thiết kế là dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý và lĩnh vực kinh doanh;
- Nhãn hiệu không nên thiết kế là những dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá và dịch vụ.
Đăng ký nhãn hiệu là một trong những thủ tục mà doanh nghiêp cần thực hiện khi bước chân vào thị trường. Hy vọng với những chia sẻ trên đây, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề này.