GV Lawyers xin giới thiệu một bài viết của Luật sư Lê Quang Vy & Luật sư Nguyễn Thị Hằng có tiêu đề: “Tác giả được hưởng lợi ích gì khi EVFTA có hiệu lực?” được đăng trên website Luật sư Việt Nam Online vào ngày 21/5/2020.
***
(LSO) – Ngày 12/02/2020, Nghị viện Châu Âu đã chính thức phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (“EVFTA”). Đây là một cơ hội nhưng cũng không kém phần thách thức và có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Bên cạnh các quy định nổi bật liên quan đến hàng hóa, xuất nhập khẩu, thuế quan…, các cam kết liên quan đến bảo hộ sở hữu trí tuệ trong đó Quyền tác giả và Quyền Liên quan (Mục B Chương 12 của EVFTA) có nhiều điểm đáng chú ý. Có thể nói, nhìn chung Quyền Tác giả và Quyền liên quan trong Luật Sở hữu Trí tuệ hiện hành của Việt Nam khá tiến bộ, tương đối phù hợp với các quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Vì thế, EVFTA quy định để được bảo hộ Quyền tác giả và Quyền liên quan, các Bên phải tuân thủ các quyền và nghĩa vụ quy định tại các điều ước quốc tế (i) Công ước Berne (Việt Nam đã tham gia năm 2004); (ii) Công ước Rome (Việt Nam đã tham gia năm 2007; (iii) Hiệp định TRIPs (Việt Nam đã tham gia năm 2007); ngoài ra trong thời hạn 3 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, các Bên phải gia nhập Hiệp ước của WIPO và quyền tác giả và Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm được thông qua tại Giơ – ne – vơ ngày 20 tháng 12 năm 1996. Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành các thủ tục gia nhập 02 Hiệp ước này. Cũng cần nói thêm, ngay trong Hiệp định CPTPP cũng có điều khoản tương tự như EVFTA, theo đó trong thời hạn 3 năm kể từ ngày 14/01/2019 (ngày CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam) thì các Bên phải tham giả 2 Hiệp ước này). Như vậy, đến trước ngày 14/01/2022 Việt Nam chắc chắc sẽ phải trở thành thành viên của 02 Hiệp ước WIPO nói trên theo như cam kết quốc tế.
Đối xử tối huệ quốc
Cam kết đầu tiên của EVFTA về bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung và Quyền tác giả, Quyền liên quan nói riêng đó là cam kết đối xử tối huệ quốc. Theo đó, bất kỳ lợi thế, ưu đãi, đặc quyền hoặc miễn trừ nào mà một Bên dành cho công dân của nước thứ ba bất kỳ sẽ được dành cho công dân của Bên kia ngay lập tức và vô điều kiện. Cam kết này cũng có trong các Hiệp định của WTO, trong đó có Hiệp định TRIPs về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ giữa các quốc gia thành viên WTO. Điều này mang đến cơ hội cho giới văn nghệ sĩ và các nhà tư vấn luật bản quyền tác giả, trong việc nghiên cứu, tìm tòi và áp dụng các “case study” ở các nước khác nhau để xem xét và áp dụng cho trường hợp của chính mình tại Việt Nam. Bởi vì trong một “thế giới phẳng” như ngày nay, thị trường âm nhạc nói riêng và hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung ngày càng phát triển trên môi trường internet, dường như các trao đổi giao lưu đã không còn biên giới. Do đó, các tranh chấp bản quyền giữa văn nghệ sĩ Việt Nam với các chủ thể ở quốc gia khác, cũng như giữa các nghệ sĩ trên thế giới với các chủ thể tại Việt Nam là không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc các Bên trao cho nhau quy chế đối xử tối huệ quốc là một điều công bằng, có đi có lại theo chuẩn mực quốc tế.
Quyền độc quyền của tác giả và của người biểu diễn
Theo EVFTA, mỗi Bên phải cho phép tác giả có độc quyền cho phép hoặc cấm “việc sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào một phần hoặc toàn bộ tác phẩm của mình”. Đối với vấn đề này, pháp luật Việt Nam cũng có quy định tương ứng tại Điều 20, Điều 28.6 của Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 3.1 của Nghị định 22/2018/NĐ-CP, theo đó Luật Việt Nam định nghĩa Bản sao của tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Việc sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tương tự vậy, các quyền độc quyền của người biểu diễn, Luật SHTT hiện hành của Việt Nam cũng đã đáp ứng được các quy định của EVFTA cơ bản gồm các quyền như (i) định hình cuộc biểu diễn; (ii) S\sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình; (iii) phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình; (iv) phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn của mình qua hình thức bán, cho thuê hoặc chuyển giao quyền sở hữu.
Quyền được hưởng thù lao của người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi
EVFTA quy định cho phép người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm có quyền được hưởng thù lao hợp lý được trả bởi người sử dụng khi bản ghi âm đã được công bố nhằm mục đích thương mại hoặc bản sao của bản ghi âm đó được sử dụng để phát sóng bằng phương tiện vô tuyến hoặc để truyền đạt tới công chúng. Mỗi Bên phải đảm bảo rằng khoản thù lao này được phân chia giữa những người biểu diễn và những nhà sản xuất bản ghi âm có liên quan. Mỗi có thể quy định những điều kiện để phân chia khoản tiền thù lao này trong trường hợp không có thỏa thuận giữa người biểu diễn và những nhà sản xuất bản ghi âm.
Điều 33 Luật SHTT Việt Nam có quy định về quyền được hưởng thù lao của người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại và trong hoạt động kinh doanh, thương mại. Việc trả thù lao này theo thỏa thuận, trong trường hợp không thỏa thuận được thì theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án. Như vậy Luật SHTT hiện hành của Việt Nam chưa có quy định về những điều kiện để phân chia khoản tiền thù lao này trong trường hợp không có thỏa thuận giữa người biểu diễn và người ghi âm. Tuy EVFTA không bắt buộc phải quy định mà chỉ “có thể” quy định các điều kiện hưởng thù lao. Nhưng thiển nghĩ để luật pháp được rõ ràng giúp các bên có chuẩn để theo đó áp dụng. Việt Nam cần bổ sung các điều kiện để phân chia các khoản thù lao giữa nhà sản xuất và người biểu diễn.
Quy định về quyền bán lại của nghệ sĩ đối với tác phẩm nghệ thuật
EVFTA quy định vì lợi ích của tác giả bản gốc tác phẩm nghệ thuật, mỗi Bên có thể quy định quyền bán lại, được xác định như một quyền không thể chuyển nhượng, được nhận một khoản tiền bản quyền dựa trên giá bán cho bất kỳ lần bán lại nào của tác phẩm sau khi tác giả chuyển giao tác phẩm lần đầu tiên. Đây là một quy định khá hay, bảo đảm cho tác giả được hưởng thêm lợi ích từ tác phẩm của mình và đã được nhiều nước trên thế giới quy định. Cụ thể, Luật Quyền tác giả tác phẩm văn học và nghệ thuật Thụy Điển gọi đó là Quyền thù lao đặc biệt (Điều 26j Chương IIa).
Theo đó, thù lao đối với việc bán lại các bản sao tác phẩm nghệ thuật là khi bản sao của tác phẩm nghệ thuật đã được chuyển giao được thương nhân bán lại trong thời hạn bảo hộ quyền tác giả khi người này thực hiện hoạt động kinh doanh của mình, tác giả có quyền nhận tiền thù lao từ người bán. Tác giả cũng có quyền nhận tiền thù lao trong các trường hợp khác, khi mà việc buôn bán do thương nhân thực hiện trong phạm vi hoạt động kinh doanh của họ. Trong trường hợp này tiền thù lao sẽ do thương nhân đó trả. Tiền thù lao là 5% giá bán buôn không tính thuế giá trị gia tăng. Quyền nhận thù lao đặc biệt này mang tính cá nhân và không thể chuyển giao.
Luật SHTT Việt Nam không quy định về quyền bán lại của tác giả đối với tác phẩm nghệ thuật, hay quyền thù lao đặc biệt như Luật của Thụy Điển. Việc chuyển giao Quyền tác giả, Quyền liên quan tại Việt Nam được xác lập trên cơ sở Hợp đồng chuyển nhượng hoặc Hợp đồng chuyển quyền sử dụng. Theo đó, các bên tự thỏa thuận trong Hợp đồng về tiền bản quyền. Việc tác giả có nhận được thêm thù lao khi bên mua tác phẩm chuyển nhượng lại cho bên thứ ba tác phẩm đó, tuy Luật SHTT chưa điều chỉnh, nhưng trên cơ sở các vấn đề dân sự nếu không trái với luật pháp và đạo đức xã hội thì các bên vẫn được quyền tự thỏa thuận trong Hợp đồng. Nhưng thiết nghĩ, với điều khoản Quyền bán lại của nghệ sĩ đối với tác phẩm nghệ thuật được quy định trong EVFTA, hoặc tham khảo Quyền thù lao đặc biệt như Luật Thụy Điển đã dẫn nêu trên, nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của các tác giả cũng như khuyến khích tinh thần sáng tạo trong xã hội, Luật SHTT Việt Nam nên bổ sung để vấn đề này trở thành một điều khoản luật định.
Có thể nói Luật SHTT của Việt Nam về cơ bản hầu như đã đáp ứng các yêu cầu của EVFTA. Các điều khoản về Thời hạn bảo hộ; Bảo hộ các biện pháp công nghệ, Bảo hộ thông tin quản lý quyền; Hợp tác về quản lý tập thể quyền… Luật SHTT Việt Nam đều có những điều khoản tương thích với EVFTA. Vấn đề còn lại mà giới văn nghệ sĩ cũng như các nhà tư vấn luật mong chờ đó là cơ chế thực thi hiệu quả. Bởi suy cho cùng văn bản luật pháp là “tĩnh” chỉ có thực thi “động” mới là sức sống và có giá trị đích thực.