Bạn đã biết gì về việc chia tách cổ phiếu. Việc tách hay gộp cổ phiếu là việc làm tăng hoặc giảm số cổ phiếu đang lưu hành của công ty cổ phần mà không làm thay đổi vốn điều lệ. Tùy theo mục đích của công ty, cũng như tình hình thị trường mà công ty có thể tiến hành tách hay gộp cổ phiếu. Việc tách cổ phiếu sẽ làm tăng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, làm giảm mệnh giá cổ phiếu tương ứng với tỷ lệ tách, điều đó làm giao dịch được thực hiện dễ dàng hơn. Bạn đọc hãy cùng tham khảo bài viết “Chia tách cổ phiếu trong công ty cổ phần được hiểu thế nào” để hiểu hơn.
Chia tách cổ phiểu là gì?
Chia tách cổ phiếu (stock split) là việc tăng số lượng cổ phiếu, đồng thời làm giảm mệnh giá cổ phiếu tương ứng với tỷ lệ tách. Nhưng không làm ảnh hưởng tới khối lượng vốn của công ty.
Chẳng hạn công ty Y đã phát hàng 1.000 cổ phiếu, mỗi cổ phiếu có mệnh giá là 1 triệu đồng. Tổng số vốn mà cổ đông ghi trong bảng tổng kết tài sản là 1 tỷ đồng. Nếu thị trường chứng khoán định giá công ty được 10 tỷ đồng, thì như vậy mỗi mệnh giá cổ phiếu là 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, công ty Y có thể thu hút nhiều cổ đông hơn bằng cách giảm giá thị trường của mỗi cổ phiếu. Để đạt được mục đích đó, công ty cần chia nhỏ cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 và cổ đông của công ty cũng sẽ nhận được số lượng cổ phiếu gấp đôi.
Với cách chia tách cổ phiếu, công ty sẽ có 2 nghìn cổ phiếu. Mỗi cổ phiếu có mệnh giá 500 nghìn đồng, nhưng khối lượng vốn của công ty vẫn là 1 tỷ đồng như cũ. Tuy nhiên, giá thị trường của mỗi cổ phiếu bây giờ chỉ còn là 5 triệu đồng. Công ty dự kiến với giá thấp hơn này thì cổ phần của công ty sẽ dễ tiêu thụ hơn.
Diễn biến giá cổ phiếu quanh thời điểm chia tách
Diễn biến giá cổ phiếu quanh thời điểm được chia tách thường trải qua 5 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Trước khi công bố thông tin về việc chia tách. Một số nhà đầu tư có thông tin nội gián hay nghe ở đâu đó và mua cổ phiếu vào. Lúc đó giá cổ phiếu chưa tăng và cũng chưa mạnh.
Giai đoạn 2: Thông tin chia tách cổ phiếu được chính thức công bố ra công chúng. Lúc đó nhiều nhà đầu tư bắt đầu mua vào và giá cổ phiếu tăng mạnh.
Giai đoạn 3: Khi giá cổ phiếu tăng mạnh, đến 1 thời điểm các đầu tư ngắn hạn chợt nhận thấy đã thoả mãn với kỳ vọng và bán ra làm giá cổ phiếu giảm xuống
Giai đoạn 4: Đến thời gian cận kề việc chia tách, các nhà đầu tư nhận thấy đến thời điểm chia tách thì lại lao vào mua cổ phiếu. Do có sự tham gia của các nhà đầu tư mới, vì thế các nhà đầu tư ngắn hạn quay trở lại khiến giá lại tăng mạnh lên.
Giai đoạn 5: Ngay sau khi chia tách thì giá cổ phiếu có sự điều chỉnh thấp nên thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư mới mua vào khiến giá có thể cao lên một chút rồi sau đó lại đi xuống. Lúc này, giá cổ phiếu sẽ đi vào sự ổn định hơn để chờ đợi những thông tin mới.
Lý do doanh nghiệp phải chia tách cổ phiếu
- Doanh nghiệp muốn giữ lại phần lợi nhuận từ việc chia tách cổ phiếu để tiếp tục tái đầu tư thay vì chia số lợi nhuận đó cho cổ đông.
- Chia tách cổ phiếu hay chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng lượng cổ phiếu lưu hành. Qua đó, giúp làm cho thanh khoản mua bán của cổ phiếu đó tăng lên và tốt cho doanh nghiệp sau này có muốn phát hành cổ phiếu thêm cũng sẽ có người mua.
- Doanh nghiệp bị thiếu hụt dòng tiền hay muốn giữ lại với mục đích cá nhân, ban quản trị sẽ chia cổ phiếu cho cổ đông thay vì phải chia tiền. Bằng cách này, cổ đông sẽ ngộ nhận là mình được nhận thêm cổ phiếu nhưng thực chất là mình chẳng được gì.
Sai lầm trong suy nghĩ về chia tách cổ phiếu
Đôi khi vì chưa được cập nhật kiến thức đầy đủ, mà các nhà đầu tư có khái niệm chưa đúng về chia tách cổ phiếu, hoặc có thể nhìn nhận nó theo hướng sai lầm hoàn toàn. Sau đây sẽ là một số sai lầm trong suy nghĩ về việc chia tách cổ phiếu:
- Chia cổ tức bằng cổ phiếu chứng tỏ doanh nghiệp có thêm nguồn vốn (vì tăng số cổ phiếu) và doanh nghiệp sẽ dùng vốn đó để phát triển kinh doanh.
- Chia tách cổ phiếu và nhận cổ phiếu thưởng làm cho tôi sở hữu được nhiều cổ phiếu hơn, tài sản của tôi vì thế cao hơn, quyền cổ đông của tôi nhiều hơn, cổ tức cũng sẽ nhận nhiều hơn. Nhưng sự thật là tài sản không tăng như phần trên đã nói. Quyền cổ đông cũng không hề tăng vì anh nhận được bao nhiêu thì người khác cũng vậy. Về bản chất chỉ là ban đầu anh có một quả táo, về sau anh có hai nửa quả táo.
- Tỷ lệ sở hữu của tôi tăng lên do tôi sở hữu nhiều cổ phiếu hơn. Giả sử toàn doanh nghiệp có 1.000.000 cổ phiếu chẳng hạn. Bạn nắm giữ 1.000 cổ phiếu. Khi chia tách cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1 (1 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu), như vậy tôi sẽ nắm giữ tới 2.000 cổ phiếu sau khi chia tách. Nhưng đồng thời tổng cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp cũng tăng lên 2.000.000 cổ phiếu. Như vậy, tỷ lệ sở hữu của tôi vẫn là 0.1% như ban đầu.
XEM THÊM: Những quy định mới nhất về việc phát hành cổ phiếu
Tóm lại vấn đề ” Chia tách cổ phiếu”
Việc chia tách cổ phiếu sẽ giúp làm tăng số lượng cổ phiếu của công ty, nhưng vẫn không làm thay đổi vốn điều lệ ban đầu. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có được những hiểu biết mới về vấn đề chia tách cổ phiếu.