GV Lawyers xin giới thiệu một bài viết của Luật sư Hoàng Thị Hoài Thu, Luật sư Hồ Thị Trâm, và Chuyên gia Lương Văn Lý có tiêu đề: “Quy định của các luật, bộ luật khác về thẩm quyền giải quyết một số tranh chấp trong các lĩnh vực chuyên ngành” được đăng trên website Luật sư Việt Nam Online ngày 08/05/2020.
***
(LSO) – Như bài trước đã đăng tải về nội dung “Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại khi hoàn cảnh thay đổi bởi Covid-19“. Vậy Quy định của các luật, bộ luật khác về thẩm quyền giải quyết một số tranh chấp trong các lĩnh vực chuyên ngành ra sao, Luật sư Việt Nam Online xin tiếp tục giới thiệu bài viết tiếp theo về nội dung này.
Luật Thương mại 2005
Phù hợp với BLDS 2015 về việc thể hiện rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp chỉ được trao cho Tòa án hay vừa được trao cho Tòa án, vừa được trao cho Trọng tài và/hoặc cơ quan có thẩm quyền khác, Luật Thương mại 2005 cũng quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên, được thể hiện tại Điều 317 về hình thức giải quyết tranh chấp như sau: hình thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại gồm: thương lượng giữa các bên hoặc hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải; hoặc giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án.
Có thể thấy rằng Điều 317 không những không ghi rằng thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc “Tòa án”, để người đọc tự hiểu và diễn giải “Tòa án” trong trường hợp này bao gồm cả Tòa án và cơ quan Trọng tài mà còn chỉ ra rất rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại được trao cho cả Tòa án và Trọng tài (phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên, phù hợp với các quy định liên quan).
Luật Đất đai 2013
Điều 203 của Luật Đất đai 2013 quy định rằng “Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau: 1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết; 2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây: (i) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 của Luật Đất đai 2013; (ii) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
Như vậy, Luật Đất đai 2013 đã quy định rất rõ, tùy từng trường hợp liên quan đến giấy tờ pháp lý của đất tranh chấp mà Ủy ban nhân dân hay Tòa án sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Khi đọc Điều 203 của Luật đất đai, không thể diễn giải rằng “Tòa án” được đề cập trong Điều luật bao gồm cả Tòa án lẫn Trọng tài.
Theo chúng tôi, Luật Đất đai 2013 không trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho cơ quan Trọng tài, bởi lẽ “Tòa án” được quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013 chỉ được hiểu và cần phải hiểu một cách chung nhất và phù hợp với ý nghĩa vốn có của nó (phù hợp với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và các bộ luật/luật khác), nghĩa là “Tòa án” chỉ là Tòa án (là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp) mà không bao gồm trong đó Trọng tài (là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại 2010) hay bất kỳ cơ quan nào khác.
Bộ luật Lao động 2012
Theo Điều 200 của Bộ luật Lao động 2012, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm: Hoà giải viên lao động và Toà án nhân dân.
Theo Điều 203 của Bộ luật Lao động 2012, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể (tranh chấp về quyền) bao gồm: Hòa giải viên lao động; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện; Toà án nhân dân.
Ngoài những cơ quan nói trên, Bộ luật Lao động 2012 không giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cho cơ quan nào khác. Trên thực tế, các cơ quan Trọng tài cũng không thụ lý và giải quyết các tranh chấp lao động.
Tóm lại, từ phân tích nêu trên có thể nhận định rằng khi pháp luật hiện hành thể hiện thẩm quyền giải quyết tranh chấp nói chung hay tranh chấp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản thuộc về “Tòa án” thì chỉ có thể hiểu rằng pháp luật chỉ đang đề cập đến Tòa án mà không thể hiểu rằng “Tòa án” bao gồm cả Tòa án, cả Trọng tài và những cơ quan có thẩm quyền khác. Trong trường hợp, hợp đồng giữa các bên (thương nhân hoặc có ít nhất một bên là thương nhân và mục đích của các bên khi giao kết là lợi nhuận) có điều khoản giải quyết tranh chấp bằng cơ chế Trọng tài thì điều khoản này được hiểu là chỉ áp dụng đối với những tranh chấp phát sinh từ hợp đồng, trong điều kiện “bình thường”. Điều khoản Trọng tài này sẽ không được áp dụng trong trường hợp tranh chấp phát sinh do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Nếu điều khoản Trọng tài trong hợp đồng có nội dung thể hiện rõ rằng cơ quan Trọng tài sẽ giải quyết tranh chấp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì nội dung đó của điều khoản Trọng tài có khả năng sẽ bị vô hiệu.
Vì sao lại có quan điểm cho rằng Trọng tài được quyền giải quyết tranh chấp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản?
Tại sao vẫn có quan điểm cho rằng Trọng tài được quyền giải quyết tranh chấp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản? Có thể quan điểm này xuất phát từ việc tham khảo quá trinh diễn giải và áp dụng pháp luật tại một số nơi trên thế giới liên quan đến thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Chẳng hạn như án lệ áp dụng PICC tại Tòa án trọng tài quốc tế ICC (số 7365/FMS, số 8873, 9994, 12446… ) và thực tiễn xét xử trọng tài của nhiều quốc gia (Hà Lan, Đức,…) cho thấy mặc dù luật chỉ định cơ quan xét xử là “Court” (Tòa án), tuy nhiên thuật ngữ “Tòa án” ở đây được diễn giải là bao gồm cả Tòa án Trọng tài (Arbitration Court) và vẫn cho phép Trọng tài có thẩm quyền xét xử trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Vậy có nên trao cho Trọng tài thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh do hoàn cảnh thay đổi cơ bản không?
Thực tiễn cho thấy, việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng cơ chế Trọng tài, một trong các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (“ADR“) trong thời gian qua đã rất hiệu quả. Bên cạnh đó, Điều 2 Luật Trọng tài Thương mại 2010 cũng đã quy định khá “mở” về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài bao gồm:
(1) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
(2) Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại;
(3) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Hơn nữa, khi hoàn cảnh thay đổi thì quan hệ giữa các bên trong hợp đồng thương mại vẫn không đổi và tranh chấp giữa các bên vốn dĩ vẫn là tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, thỏa mãn điều kiện để Trọng tài được giải quyết tranh chấp này theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 của LTTTM 2010. Như vậy, tiếp cận từ tính hiệu quả của ADR, và quy định mở của Luật Trọng tài thương mại 2010, có thể thấy rằng cần bổ sung Điều 420 BLDS 2015.
Kiến nghị sửa đổi BLDS 2015 và bổ sung Luật thương mại 2005
Như vậy, để tạo sự đồng bộ giữa Bộ Luật Dân sự và Luật Trọng tài Thương mại cũng như phù hợp với thông lệ và thực tiễn quốc tế, chúng tôi đề nghị rằng Bổ sung Điều 420 của BLDS 2015 theo hướng cho phép Trọng tài giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Đồng thời, bổ sung quy định thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản vào Luật thương mại 2005. Theo đó, Trọng tài sẽ có đầy đủ thẩm quyền để sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng đã giao kết giữa các bên như thẩm quyền của Tòa án hiện nay.