Trong thực tế, trở thành một luật sư đã khó, nhưng để trở thành một luật sư tranh tụng thành công trong nghề nghiệp lại càng khó khăn gấp bội. Ngoài những kiến thức pháp lý (luật nội dung- luật hình thức), người làm luật sư còn cần phải có những kỹ năng nghề nghiệp vững chắc.
Một luật sư tranh tụng giỏi luôn đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau đây
1. Luôn tôn trọng và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật
Quy tắc 2 của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định về sự độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan của luật sư như sau: “Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp”. Với tư cách là một người có chuyên môn và kiến thức pháp lý sâu rộng, hơn ai hết, luật sư tranh tụng là những người cần phải thượng tôn luật pháp trong quá trình hành nghề của mình.
Một luật sư tranh tụng giỏi là người có thể tự bằng khả năng của chính mình bảo vệ công lý và lẽ phải. Không thể vì lợi ích của riêng cá nhân luật sư hoặc của thân chủ mà sẵn sàng bất chấp pháp luật, dùng thủ đoạn trái luật để trục lợi, gây thiệt hại cho người khác và xã hội. Đảm bảo sự công bằng cho khách hàng, hành nghề một cách chân chính chứ không thực hiện các hành động sai trái để giúp cho khách hàng của mình được hưởng lợi bất hợp pháp.
2. Không đồng thời thực hiện dịch vụ pháp lý cho các khách hàng có xung đột về lợi ích giữa các bên hoặc giữa khách hàng với luật sư, người thân thích của luật sư
Về định nghĩa, Quy tắc 11.1 của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định về giải quyết xung đột về lợi ích như sau: “Xung đột về lợi ích trong hành nghề luật sư là sự đối lập về quyền lợi vật chất hay tinh thần đã xảy ra hoặc có khả năng xảy ra giữa hai hay nhiều khách hàng của luật sư; giữa luật sư, nhân viên, vợ, chồng, con, cha mẹ, anh em của luật sư với khách hàng trong cùng một vụ việc hoặc trong những vụ việc khác có liên quan đến vụ việc đó”.
Theo đó, luật sư tranh tụng cần xác định rõ các mối quan hệ, tư cách chủ thể của khách hàng trong các vụ việc mà mình đang tham gia giải quyết để từ đó cân nhắc việc mình có thể tiếp tục theo đuổi vụ việc đó hay không. Điều này cũng góp phần thể hiện luật sư tranh tụng là người có đạo đức nghề nghiệp, sẵn sàng “thắng cuộc” quang minh chính đại chứ không lợi dụng khách hàng để trục lợi bất chính cho bản thân mình. Trong trường hợp phát hiện có sự mâu thuẫn về lợi ích giữa các khách hàng hoặc giữa khách hàng với luật sư hoặc người thân thích của luật sư, luật sư tranh tụng tuyệt đối không được nhận vụ việc đó và phải từ chối yêu cầu của khách hàng.
3. Giữ bí mật thông tin
Với đặc thù công việc, luật sư tranh tụng là người luôn phải tiếp xúc với những thông tin nhạy cảm hoặc mang tính bảo mật cao mà vốn dĩ khách hàng không bao giờ tiết lộ ra ngoài. Đó có thể là các bí mật kinh doanh, chiến lược và mục tiêu của doanh nghiệp trong tương lai, thông tin về các hợp đồng, … Hơn nữa, đối với một vụ tranh chấp thương mại, việc “rò rỉ” thông tin của các bên còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh khách hàng, làm suy giảm uy tín của khách hàng với các đối tác khác hoặc người tiêu dùng trên thương trường.
Vấn đề này cũng được quy định rất cụ thể tại Quy tắc 12 của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam: “Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật; luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”
Việc bảo đảm tính bảo mật của thông tin do khách hàng cung cấp sẽ tạo dựng được uy tín và hình ảnh người luật sư chuyên nghiệp trong mắt khách hàng. Điều này mở ra nhiều cơ hội tiềm năng để các khách hàng tiếp tục ưu tiên lựa chọn luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư đó trong các vụ việc khác khi họ có nhu cầu.
Do đó, luật sư tranh tụng giỏi phải luôn giữ cho mình nguyên tắc bảo mật mọi thông tin mà khách hàng cung cấp và chỉ cung cấp khi được khách hàng cho phép hoặc quy định của pháp luật yêu cầu.
4. Giữ cho mình “một trái tim nóng, một cái đầu lạnh và đôi bàn tay sạch”
Mang trong mình “một trái tim nóng” là việc luật sư tranh tụng luôn nhiệt huyết trong công việc, hết mình phục vụ khách hàng, luôn ân cần, chu đáo và quan tâm đến những lợi ích mà khách hàng mong muốn đạt được, luôn biết đặt mình vào vị thế của khách hàng, có trách nhiệm cao trong công việc và tận tụy giúp đỡ cho khách hàng trong các vụ việc mà khách hàng gặp phải. Giữ được “cái đầu lạnh” là việc luật sư tranh tụng có được tinh thần thép trong quá trình làm việc, không để cảm xúc xen lẫn lý trí, luôn sáng suốt nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và toàn diện dựa trên những cơ sở thực tế.
Một luật sư tranh tụng có “đôi bàn tay sạch” là người trước hết luôn tuân thủ pháp luật, sau là làm những việc không trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, biết phân định rõ phải trái, trắng đen để từ đó lựa chọn cho mình một phương án giải quyết phù hợp.
Bên cạnh đó, sự lạnh lùng của người luật sư tranh tụng chuyên nghiệp còn được thể hiện ở việc không bị quyến rũ và tha hóa bởi các cám dỗ và cạm bẫy từ bất kỳ bên nào khác, luôn giữ cho mình niềm tin nội tâm, niềm tim vào công lý và lẽ công bằng để đấu tranh cho quyền lợi của khách hàng trước đối phương và cơ quan xét xử.
Một luật sư tranh tụng giỏi luôn biết đâu là điểm mạnh và yếu điểm của khách hàng trong một vụ án hay vụ tranh chấp, không vì lợi nhuận trước mắt có được từ việc cung ứng dịch vụ pháp lý mà “vẽ” ra những điều bất hợp lý, “nịnh nọt” để khách hàng tin rằng họ luôn là người có lợi thế và nắm chắc phần thắng khi sự việc vẫn chưa ngả ngũ, không khẳng định những điều thiếu căn cứ và bất hợp lý để trục lợi từ khách hàng.
Đó là quá trình sử dụng năng lực chân chính của bản thân để giúp đỡ khách hàng trong từng vụ việc cụ thể và nâng cao khả năng hành nghề của bản thân, làm điều thiện và giúp ích cho xã hội.Vì vậy, có thể thấy rằng một người luật sư tranh tụng giỏi là người có thể dung hòa cả ba yếu tố nói trên trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng.