Trong đời sống sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, giới văn nghệ sĩ hay dùng cụm từ “bản quyền” để nói đến việc sáng tạo tác phẩm nghệ thuật của một người nghệ sĩ nào đó. Hiểu một cách nôm na, bản quyền là quyền của các tác giả đối với các tác phẩm do họ sáng tạo ra. Luật Sở hữu Trí tuệ hiện hành, không có thuật ngữ pháp lý “bản quyền” mà thay vào đó là “quyền tác giả” để đề cập đến phạm trù này. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền tác giả đã trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu. Do đó, hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới đều đưa vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng thành một trong những điều kiện then chốt trong đàm phán thương mại. Hơn ai hết, các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cần thiết phải trang bị cho mình các kiến thức về quyền tác giả theo luật định để tự mình có các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ các quyền lợi của mình trước thực trạng xâm phạm quyền tác giả xảy ra trên môi trường internet ngày nay.
- Luật về quyền tác giả là luật nào?
Quyền tác giả được quy định trong Luật Sở hữu Trí tuệ 2005, được sửa đổi năm 2009 và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn bao gồm các Nghị định, Thông tư liên quan.
- Tác phẩm nào được bảo hộ
Theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ, đối tượng được bảo hô quyền tác giả là các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, bao gồm: (i) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; (ii) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; (iii) Tác phẩm báo chí; (iv) Tác phẩm âm nhạc; (v) Tác phẩm sân khấu; (vi) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự; (vii) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; (viii) Tác phẩm nhiếp ảnh; (ix) Tác phẩm kiến trúc; (x) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học; (xi)Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; và (xii) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu. Các đối tượng như tin tức thời sự thuần túy, văn bản pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch các văn bản đó, quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu không phải là đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả.
- Đối tượng được bảo hộ
Chủ thể được bảo hộ quyền tác giả bao gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả. Trong đó, chủ sở hữu quyền tác giả bao gồm:
- Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả;
- Chủ sở hữu quyền tác giả là các đồng tác giả;
- Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả;
- Chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế;
- Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền; và
- Chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trên đây bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Nội dung bảo hộ
Quyền tác giả đối với tác phẩm được bảo hộ bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Trong đó:
Quyền nhân thân bao gồm: quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm quyền được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Quyền tài sản bao gồm: làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính. Chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền trên. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền trên phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
- Thời hạn bảo hộ
Theo pháp luật hiện hành, thời hạn bảo hộ đối với các quyền nhân thân, bao gồm: quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm được bảo hộ vô thời hạn.
Đối với quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm: các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác pham khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; đối với các tác phẩm khác (không phải là điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng), thời hạn bảo hộ là suốt cuôc đời tác giả và năm mươi năm tiếp teo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết. Thời hạn bảo hộ quy định chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
Cùng bấm để xem thêm thông tin về văn phòng luật sư tại TPHCM của chúng tôi.