Đặc điểm của trọng tài thương mại là gì? Trong bài viết này Luật GV Lawyers sẽ tổng hợp và chia sẻ chi tiết đến các bạn để tham khảo. Ngoài ra để nhận được tư vấn chuyên sâu về việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, các bạn hãy liên hệ ngay đến tổng đài +84 (28) 3622 3555 nhé!
Tìm hiểu rõ trọng tài thương mại là gì?
Theo Luật trọng tài thương mại 2010, thì trọng tài thương mại được giải nghĩa như sau:
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này.
Trọng tài thương mại thường được xem xét dưới 02 góc độ đó chính là cơ quan giải quyết tranh chấp và là phương thức giải quyết tranh chấp. Cụ thể:
- Cơ quan giải quyết tranh chấp độc lập, hoạt động tồn tại song song với Tòa án. Pháp luật tôn trọng quyền tự do lựa chọn của các bên, khi có tranh chấp trong thương mại phát sinh, các chủ thể có thể đưa ra lựa chọn hoặc Tòa án hoặc Trọng tài để giải quyết tranh chấp cho mình.
- Trọng tài là phương thức giải quyết các tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba – các trọng tài viên hoặc trọng tài viên duy nhất. Trọng tài là bên trung gian, hoàn toàn độc lập với các bên, đứng giữa để thực hiện giải quyết tranh chấp và đưa ra phán quyết có tính chất bắt buộc, minh bạch để bảo vệ quyền lợi của các bên
3+ đặc điểm của trọng tài thương mại theo Luật
Đặc điểm của trọng tài thương mại thứ nhất
Trọng tài chỉ giải quyết tranh chấp thương mại khi có yêu cầu của các bên tranh chấp và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài. Khi tranh chấp phát sinh, các bên liên quan có quyền yêu cầu giải quyết vụ tranh chấp bằng trọng tài. Đây là một trong những quy định đảm bảo quyền định đoạt của các bên trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Việc yêu cầu giải quyết tranh chấp của các bên được ghi nhận bằng thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Thỏa thuận trọng tài phải có hiệu lực pháp luật. Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài bao gồm:
– Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
– Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại;
– Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.
Đặc điểm của trọng tài thương mại thứ 2
Chủ thể giải quyết tranh chấp thương mại là các Trọng tài viên thực hiện thông qua Hội đồng trọng tài gồm một Trọng tài viên độc lập hoặc hội đồng gồm nhiều Trọng tài viên.
Theo Khoản 5 Điều 3 trong Luật trọng tài thương mại 2010 có giải thích: Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này.
Trọng tài viên phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 20 trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Trọng tài là một tổ chức phi chính phủ, không nằm trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước. Bản thân các Trọng tài viên cũng không phải là cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc điểm của trọng tài thương mại thứ 3
Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài thương mại đảm bảo sự kết hợp hai yếu tố: thỏa thuận và phán quyết.
Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài là phương thức đảm bảo quyền tự định đoạt cao nhất của các bên. Các bên tranh chấp có thể thống nhất, thỏa thuận lựa chọn Trung tâm trọng tài, Trọng tài viên, địa điểm giải quyết hay luật áp dụng… Các bên có thể thỏa thuận trọng tài về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh (Khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010).
Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài (Khoản 10 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010). Khác với phán quyết của toà án có thể bằng bản án hoặc quyết định (mang tính quyền lực nhà nước) thì phán quyết của trọng tài bằng quyết định nhân danh và vì lợi ích của các bên tranh chấp (không mang tính quyền lực nhà nước). Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành (Khoán 5 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại năm 2010), không bị kháng cáo, kháng nghị.
Đặc điểm của trọng tài thương mại thứ 4
Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp đảm bảo tính bí mật. Trọng tài là một tiến trình giải quyết tranh chấp có tính riêng biệt. Hầu hết pháp luật về trọng tài của các nước đều thừa nhận nguyên tắc trọng tài xử lý (in camera) nếu các bên không quy định khác. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Tính bí mật thể hiện rõ ở nội dung tranh chấp và danh tính của các bên được giữ kín, đáp ứng nhu cầu tin cậy trong quan hệ thương mại. Quy định này có ý nghĩa lớn trong điều kiện cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh và giải quyết được sự quan ngại vì nếu nội dung vụ tranh chấp được công khai sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.
Một số thông tin liên quan đến trọng tài thương mại có thể các bạn quan tâm
Thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại
Điều 2 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định ba nhóm vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại, cụ thể:
Thứ nhất, “tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại”. Tranh chấp này đòi hỏi các bên liên quan đến tranh chấp đều phải có hoạt động thương mại, mà tiêu chí nhận diện của hoạt động thương mại có quy định tại Khoản 1 Điều 3 trong Luật Thương mại 2005 là mục đích sinh lời.
Thứ hai, “tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại”. Với quy định này, chỉ cần 01 bên trong tranh chấp có hoạt động thương mại, bên còn lại có thể tham gia quan hệ với các mục đích phi lợi nhuận như tiêu dùng, nhu cầu cá nhân,…
Thứ ba, “tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định phải giải quyết bằng trọng tài”. Trong trường hợp này, tiêu chí hoạt động thương mại thậm chí còn không được đặt ra, mà chỉ cần trong pháp luật chuyên ngành có quy định tranh chấp có thể giải quyết bằng trọng tài thương mại. Ví dụ: Trọng tài có thể được sử dụng để giải quyết tranh chấp trong nội bộ công ty, như theo quy định tại khoản 1 điều 107 Luật Thương mại 2005: “Khi trình tự và thủ tục triệu tập họp đại hội đồng cổ đông không thực hiện theo đúng quy định của Luật và Điều lệ công ty” thì “cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông”.
Hình thức của trọng tài thương mại
Trọng tài vụ việc
Theo Khoản 7 Điều 3 trong Luật trọng tài thương mại 2010 có giải nghĩa rất rõ ràng về trọng tài vụ việc như sau:
Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này và trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận.
Trọng tài vụ việc sở hữu các đặc trưng có bản như sau:
- Được thành lập khi các tranh chấp phát sinh và tự chấm dứt hoạt động khi giải quyết xong tranh chấp.
- Không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành, không có danh sách trọng tài viên. Trọng tài viên được các bên có tranh chấp chỉ định có thể là người có tên trong hoặc ngoài danh sách trọng tài viên của bất kỳ một trung tâm trọng tài nào.
- Quy tắc tố tụng để giải quyết tranh chấp có thể do các bên thỏa thuận xây dựng hoặc lựa chọn từ bất kỳ một quy tắc tố tụng nào của các trung tâm trọng tài khác.
Trọng tài thường trực
Là hình thức giải quyết các tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật trọng tài thương mại 2010 và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó. Đây là hình thức trọng tài được tổ chức chặt chẽ, có bộ máy, trụ sở làm việc thường xuyên, thường có danh sách trọng tài viên hoạt động theo điều lệ và quy tắc tố tụng riêng. Hầu hết các tổ chức trọng tài lớn, có uy tín trên thế giới đều được thành lập theo mô hình này dưới những tên gọi như trung tâm trọng tài, ủy ban trọng tài, viện trọng tài, hội đồng trọng tài quốc gia và quốc tế… nhưng chủ yếu và phổ biến được tổ chức dưới dạng các trung tâm trọng tài.
Trên đây là những thông tin chia sẻ về đặc điểm của trọng tài thương mại cùng các thông tin liên quan để các bạn tham khảo. Nếu các bạn cần hỗ trợ tư vấn chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến Luật, hãy liên hệ ngay đến GV Lawyers qua thông tin chi tiết được chia sẻ ở phần dưới chân trang website nhé!