image 754556971 92442

Chiếc áo pháp lý quá rộng

GV Lawyers xin giới thiệu bài viết của Luật sư Trần Thanh Tùng có tiêu đề: “Chiếc áo pháp lý quá rộng” được đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 03/03/2011.

***

Với Nghị định 01/2010/NĐ-CP về việc chào bán cổ phần riêng lẻ, các công ty cổ phần (CTCP) nhỏ (được hiểu là công ty không phải công ty đại chúng và có dưới 100 cổ đông) dường như đang buộc phải tuân thủ các quy định chỉ phù hợp với các công ty đại chúng. Nói cách khác, CTCP nhỏ đang bị buộc phải khoác chiếc áo pháp lý quá rộng.

Cuối cùng thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cũng đã có hướng dẫn về việc chào bán cổ phần riêng lẻ của CTCP theo Nghị định 01/2010. Công văn số 350/UBCK-QLPH ngày 27-1-2011 của UBCK và Công văn số 608/BKHĐT-PC ngày 28-1-2011 của Bộ KHĐT, không hẹn mà cùng có một điểm chung: CTCP không phải là công ty đại chúng phát hành cổ phần riêng lẻ cho các cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thì không áp dụng Nghị định 01.

Còn những trường hợp khác (công ty đại chúng hoặc CTCP không phải là công ty đại chúng nhưng chào bán cổ phần cho cổ đông mới) vẫn áp dụng Nghị định 01. Điều này nghĩa là CTCP phải thực hiện các thủ tục phức tạp và tốn kém như: thông qua phương án chào bán, phương án sử dụng số tiền thu được; đăng ký và báo cáo kết quả đợt chào bán và danh sách cổ đông cho cơ quan nhà nước, công bố kết quả chào bán trên website, phong tỏa số tiền thu được tại ngân hàng cho đến khi hoàn tất đợt chào bán, phải đảm bảo các đợt chào bán phải cách nhau ít nhất sáu tháng…

Chúng ta dễ đồng ý rằng các thủ tục và điều kiện phát hành cổ phần riêng lẻ trong Nghị định 01 như trên chỉ phù hợp với các công ty đại chúng. Những quy định ấy nếu áp dụng cho CTCP nhỏ sẽ gây tốn kém và đẩy chi phí phát hành lên cao, như thế cũng đồng nghĩa là hạn chế khả năng huy động vốn của các CTCP nhỏ.

Điều này sẽ càng bất hợp lý hơn khi so sánh thủ tục phát hành cổ phần riêng lẻ của CTCP với thủ tục tương tự trong công ty TNHH. Về bản chất pháp lý, công ty TNHH và ctcp đều là những công ty đối vốn (nghĩa là các quyền lợi và nghĩa vụ của người góp vốn đối với công ty đều dựa trên số vốn mà họ góp hoặc cam kết góp vào công ty). Khi tăng vốn bằng việc kết nạp thêm thành viên, công ty TNHH chỉ cần đăng ký vốn điều lệ và thành viên mà không bị ràng buộc về thủ tục như CTCP mặc dù số lượng thành viên tối đa của công ty TNHH cũng có thể lên đến 50 – một con số không nhỏ. Do đó, câu hỏi đặt ra là vì sao giữa hai loại hình doanh nghiệp kể trên lại có sự đối xử khác nhau theo kiểu “kẻ ghét, người thương” đến như vậy?

5/5 - (500 votes)
Scroll to Top