Vi phạm hợp đồng và trách nhiệm hình sự hậu Covid 19

Vi phạm hợp đồng và trách nhiệm hình sự hậu Covid-19

GV Lawyers| Giới thiệu bài viết pháp luật

GV Lawyers trân trọng giới thiệu đến quý độc giả một bài viết của Luật sư Hoàng Thị Hoài Thu và Trợ lý Luật sư Nguyễn Công Duy Thông có tiêu đề: “Vi phạm hợp đồng và trách nhiệm hình sự hậu Covid-19 được đăng trên Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam ngày 28/10/2021.

***

(LSVN) – Hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng không phải là tội phạm, người có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, dù là cá nhân hay pháp nhân thương mại sẽ chỉ chịu trách nhiệm dân sự đối với bên bị vi phạm. Tuy nhiên, với từng trường hợp cụ thể, nếu bên vi phạm hợp đồng là cá nhân, cố ý trốn tránh nhằm chiếm đoạt tài sản của bên bị vi phạm thì cá nhân đó có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các tỉnh thành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh này nói riêng. Nhiều biện pháp nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh được triển khai, trong đó có biện pháp cách ly (giãn cách) xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động. Đối với các doanh nghiệp được phép hoạt động, phải đáp ứng các điều kiện phòng chống dịch và triển khai sản xuất, kinh doanh theo hình thức “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm”, đồng thời phải đảm bảo thực hiện xét nghiệm định kỳ cho lực lượng lao động tại doanh nghiệp.

Tình trạng trên đã khiến không chỉ doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động mà cả doanh nghiệp được hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn. Hệ quả là nhiều hợp đồng đã được ký kết nhưng một hoặc nhiều bên không thể đáp ứng các điều khoản đã thỏa thuận, dẫn đến vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, thậm chí “phá vỡ giao kèo” là điều có thể dự báo trong không ít giao dịch. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã lo lắng rằng liệu các doanh nghiệp, cá nhân do dịch bệnh hoặc trở ngại khác dẫn đến vi phạm nghĩa vụ hợp đồng có phải gánh chịu trách nhiệm hình sự không, hay họ chỉ đơn thuần chịu trách nhiệm dân sự đối với bên bị vi phạm?

Trường hợp nào sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự khi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng?

Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của người phạm tội phải chịu sự tác động của các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước, chịu các hình phạt do bộ luật hình sự quy định. Đây là trách nhiệm phải gánh chịu hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội đối với Nhà nước chứ không phải đối với người, hay tổ chức mà quyền hoặc lợi ích hợp pháp của họ bị hành vi phạm tội trực tiếp xâm hại. Mục đích của việc buộc gánh chịu trách nhiệm hình sự là nhằm tước bỏ hoặc hạn chế ở người phạm tội một số quyền hoặc lợi ích hợp pháp, nhằm trừng trị, đồng thời giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật, không tái phạm, không phạm tội mới.

Theo Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), Luật Thương mại 2005 (LTM 2005) bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự với bên bị vi phạm. Trên thực tế, nhiều trường hợp vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và phải gánh chịu trách nhiệm dân sự nhưng lại cố ý trốn tránh để không phải thực hiện trách nhiệm đối với bên bị vi phạm, từ đó bên vi phạm đã phải gánh chịu trách nhiệm hình sự trong hối tiếc muộn màng như trường hợp sau đây:

N.V.T., nguyên là Phó Chánh án một Tòa án nhân dân quận đã ký Hợp đồng tín dụng với một ngân hàng để vay 250 triệu đồng, thời hạn vay 36 tháng từ ngày 08/7/2014. T. đã thực hiện trả nợ đến ngày 25/12/2014. Sau đó, ngân hàng nhiều lần yêu cầu T. thanh toán và đến cả cơ quan của T. làm việc để thông báo nợ quá hạn. T. đã ký biên bản làm việc và giấy báo nợ quá hạn nhưng không thực hiện, bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Đến ngày 06/4/2020, T. bị bắt theo lệnh truy nã. Sau quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt T. 30 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Có thể thấy với hành vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng, T. lẽ ra chỉ phải chịu trách nhiệm về mặt dân sự với ngân hàng, nhưng vì T. đã cố ý bỏ trốn để không phải thực hiện trách nhiệm trả nợ và nhằm chiếm đoạt tiền của ngân hàng nên đã cấu thành tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ nêu trên là trường hợp của cá nhân vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và trách nhiệm pháp lý phải gánh chịu khi cố ý trốn tránh. Vậy các pháp nhân thương mại vi phạm hợp đồng thì trách nhiệm sẽ là gì, có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Theo của Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015), pháp nhân thương mại chỉ chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội danh nhất định như: tội “Buôn lậu”; tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”; tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”;… Ngoài phạm vi này, pháp nhân thương mại sẽ không bị buộc tội theo các tội danh khác. Do đó, nếu vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, sau đó cố ý trốn tránh thực hiện trách nhiệm dân sự, pháp nhân thương mại có thể sẽ bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định để buộc thực hiện trách nhiệm dân sự đối với bên bị vi phạm.

Tóm lại, hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng không phải là tội phạm, người có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, dù là cá nhân hay pháp nhân thương mại sẽ chỉ chịu trách nhiệm dân sự đối với bên bị vi phạm. Tuy nhiên, với từng trường hợp cụ thể, nếu bên vi phạm hợp đồng là cá nhân, cố ý trốn tránh nhằm chiếm đoạt tài sản của bên bị vi phạm thì cá nhân đó có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

6178c3d47a94f
Ảnh minh họa

Vì lý do dịch bệnh Covid-19 mà vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thì có chịu trách nhiệm hình sự không? 

Theo quy định của BLDS 2015, bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp bên vi phạm đều phải gánh chịu trách nhiệm dân sự với bên bị vi phạm. Chẳng hạn, nếu bên vi phạm không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng hoặc do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng thì bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác theo quy định của BLDS 2015 và LTM 2005.

Vận dụng các quy định về miễn trách nêu trên vào trường hợp đã ký kết hợp đồng nhưng một bên không thể thực hiện nghĩa vụ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát có thể sẽ xảy ra các khả năng: (i) các bên đã không thể lường trước được dịch bệnh sẽ bùng phát, khi dịch bệnh xảy ra khiến một bên dù tìm mọi cách nhưng không thể thực hiện nghĩa vụ của mình, (ii) không phải trực tiếp từ dịch bệnh mà do quyết định về việc thực hiện giãn cách xã hội của cơ quan có thẩm quyền mà một bên buộc phải vi phạm nghĩa vụ dù đã tìm mọi cách nhưng không thể khắc phục, không thể thực hiện nghĩa vụ của mình. Tùy từng trường hợp, dịch bệnh Covid-19 hay quyết định của cơ quan có thẩm quyền sẽ trở thành sự kiện bất khả kháng, giúp bên vi phạm có thể được miễn  trừ  trách nhiệm dân sự đối với bên bị vi phạm. Trong trường hợp này, bên vi phạm cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì chỉ vi phạm nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng, không cố ý chiếm đoạt tài sản của bên bị vi phạm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bên vi phạm không nên tuỳ tiện viện dẫn dịch bệnh Covid-19 hay quyết định của cơ quan có thẩm quyền như một sự kiện bất khả kháng để được miễn thực hiện nghĩa vụ, miễn trách nhiệm dân sự. Bởi lẽ, nếu bên vi phạm không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng mà các điều kiện về sự kiện bất khả kháng (khách quan, không lường trước, không thể khắc phục) không được đảm bảo thì bên vi phạm có khả năng sẽ phải gánh chịu hậu quả pháp lý.

Ngoài ra, nếu sự kiện bất khả kháng không còn, nghĩa là tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền về giãn cách xã hội được bãi bỏ, bên vi phạm không còn bị cản trở bởi sự kiện bất khả kháng thì phải có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hợp đồng (trừ trường hợp các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng). Khi đó, nếu bên vi phạm không thực hiện nghĩa vụ, cố ý trốn tránh nhằm chiếm đoạt tài sản của bên bị vi phạm thì khả năng bên vi phạm sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Giải pháp để các bên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình

Hiện nay, giãn cách xã hội đã được nới lỏng, tuy nhiên các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vẫn được tăng cường. Các doanh nghiệp dần hoạt động trở lại nhưng cũng chưa thể phục hồi ngay trong “điều kiện bình thường mới”. Chính vì vậy, những vi phạm đã xảy ra và hậu quả của nó sẽ khó được xử lý ổn thỏa và kịp thời. Để có thể duy trì quan hệ đối tác nhưng vẫn bảo vệ quyền lợi của mình một cách hợp pháp nhằm tồn tại và phát triển trong “điều kiện bình thường mới” và “sống chung với dịch bệnh”, các doanh nghiệp và các cá nhân đã ký kết hợp đồng cần làm gì?

Đối với bên bị vi phạm: Nếu không thể cùng nhau thương lượng, tùy từng chủ thể đã giao kết hợp đồng mà bên bị vi phạm có thể chọn cách giải quyết phù hợp như sau:

– Nếu chủ thể giao kết hợp đồng với mình là pháp nhân thương mại hoặc các tổ chức khác, hai bên có thể đề nghị một đơn vị hòa giải trung gian hoặc cơ quan tài phán có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

– Nếu chủ thể giao kết hợp đồng với mình là cá nhân, bên vi phạm cũng có thể lựa chọn cách thức giải quyết như trên. Tuy nhiên, khi nhận thấy các cá nhân vi phạm cố ý chiếm đoạt tài sản của mình, bên bị vi phạm có thể đề nghị cơ quan có thẩm xem xét xử lý trách nhiệm hình sự của người vi phạm, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Đối với bên vi phạm: Không được trốn tránh thực hiện nghĩa vụ mà cần chủ động đề xuất các giải pháp khả thi để các bên cùng cân nhắc, đi đến thống nhất. Bên cạnh đó, cần bình tĩnh trước những lời hăm dọa hình sự hóa tranh chấp dân sự vì đó có thể chỉ là những cáo buộc thiếu căn cứ nhằm gây áp lực cho bên vi phạm.

Đồng thời, bên vi phạm có thể liên hệ với các tổ chức hành nghề Luật sư để được tư vấn, hỗ trợ thương lượng với bên bị vi phạm cũng như tránh các rủi ro tiềm ẩn và hạn chế tối đa nguy cơ cấu thành tội phạm.
➯ Để tải về bài viết này, vui lòng nhấp vào TẢI VỀ.

5/5 - (500 votes)
Scroll to Top