doanh nghiep10june2021

Nợ của doanh nghiệp: Người đại diện theo pháp luật có nghĩa vụ liên đới?

GV Lawyers| Giới thiệu bài viết pháp luật

GV Lawyers trân trọng giới thiệu đến quý độc giả một bài viết của Luật sư Đỗ Đức Anh và cô Trương Ngọc Mai có tiêu đề: “Nợ của doanh nghiệp: Người đại diện theo pháp luật có nghĩa vụ liên đới?” được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 24-2021 (1.591) ngày 10/6/2021.

***

Đại dịch Covid-19 chưa qua, nhiều doanh nghiệp đã không chỉ rơi vào tình trạng kinh doanh bị đình đốn, thậm chí tê liệt, mà còn vướng vào các vụ tranh chấp công nợ “bức bí” đến mức phải khởi kiện ra tòa án. Món nợ này sẽ do ai trả?

Thuật ngữ  “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp” (NĐDTPL) đã khá quen thuộc với giới doanh nhân và các nhà quản trị. Có thể thấy trên thực tế, NĐDTPL của doanh nghiệp thường là cá nhân có góp vốn vào doanh nghiệp trong công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Như vậy, ở một khía cạnh nào đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của NĐDTPL. Hay nói cách khác, lợi ích của doanh nghiệp và NĐDTPL có sự gắn bó chặt chẽ. Có lẽ xuất phát từ góc nhìn như vậy, nên tồn tại niềm tin rằng khi doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán công nợ thì NĐDTPL cũng phải có nghĩa vụ liên đới.

Niềm tin đó có xu hướng phổ biến hơn trong tình trạng kinh tế đầy thách thức trong đại dịch Covid-19, khi không chỉ các hoạt động kinh doanh bị đình đốn, thậm chí tê liệt, mà nhiều doanh nghiệp còn vướng vào các vụ tranh chấp công nợ “bức bí” đến mức phải khởi kiện ra tòa án, và có những công ty thua kiện nhưng không còn tiền hay tài sản cho việc thi hành án. Và rồi người ta đặt câu hỏi về sự liên đới của NĐDTPL đối với nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp, đặc biệt khi NĐDTPL vẫn cho thấy hình ảnh khá thoải mái của họ về mặt kinh tế, như vẫn sống ở nhà lầu, đi xe hơi, có tài xế đưa đón… Chẳng lẽ lợi nhuận thì anh hưởng còn công nợ thì anh đẩy hết về cho doanh nghiệp?

NĐDTPL có liên đới đối với nghĩa vụ thanh toán của doanh nghiệp hay không?

Pháp luật hiện hành có quy định các trường hợp mà NĐDTPL có trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp, đó là trường hợp vi phạm những trách nhiệm như sau: Một, thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Hai, trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. Ba, thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan với mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Theo đó, pháp luật hiện hành chỉ giới hạn trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại của doanh nghiệp trong một số trường hợp nhất định. Và cũng cần lưu ý, “thiệt hại của doanh nghiệp (như nêu tại quy định trên đây) và “công nợ của doanh nghiệp” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nếu “công nợ của doanh nghiệp” là hậu quả của các giao dịch thương mại, không xuất phát từ lỗi của NĐDTPL, thì NĐDTPL không phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các công nợ này.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định vẫn thể ràng buộc trách nhiệm của NĐDTPL trong việc thanh toán công nợ của doanh nghiệp bởi hình thức bảo lãnh cá nhân.

Trên thực tế, các bên giao dịch vẫn thường tìm đến dịch vụ của ngân hàng được biết đến với tên gọi “thư tín dụng” hay “thư bảo lãnh” để bảo đảm quyền được thanh toán. Bản chất của thư tín dụng và thư bảo lãnh là “bảo lãnh”. Đây là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và cũng nằm trong nhóm biện pháp thường gặp nhất trong kinh doanh thương mại.

Bảo lãnh nói chung và bảo lãnh ngân hàng nói riêng thường được áp dụng trong các giao dịch xuyên quốc gia. Bảo lãnh ngân hàng là biện pháp bảo đảm có độ tin cậy bởi các ngân hàng thường là các chủ thể có uy tín cao. Tuy vậy, để ngân hàng cấp bảo lãnh thì các bên sẽ phải trả phí cho ngân hàng. Nếu không thỏa thuận được bên nào trả phí bảo lãnh thì không thiết lập được biện pháp bảo đảm này. Trong trường hợp này, hai doanh nghiệp cần hướng tới bảo lãnh cá nhân được cam kết bởi chính NDDTPL của mình.

Bảo lãnh cá nhân: biện pháp hiệu quả với chi phí thấp

Điều 335 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Bảo lãnh là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.

Như vậy, trong việc ký một cam kết bảo lãnh thanh toán với hai doanh nghiệp có quan hệ hợp đồng, NĐDTPL của doanh nghiệp sẽ đóng vai trò người thứ ba, tức bên bảo lãnh. Và bởi bản thân doanh nghiệp và NĐDTPL có mối quan hệ chặt chẽ nên việc ký kết một hợp đồng bảo lãnh sẽ không phát sinh quá nhiều chi phí như việc sử dụng dịch vụ bảo lãnh ngân hàng.

Thực tế đã có nhiều bản án mà Tòa án tuyên chấp nhận vai trò “bên bảo lãnh” của NĐDTPL, yêu cầu NĐDTPL phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho doanh nghiệp. Có thể kể tới bản án sơ thẩm (đã có hiệu lực pháp luật) ngày 23-10-2019 của Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa một bên là ngân hàng và một bên là pháp nhân được cấp khoản vay. Tại bản án này, Tòa án đã tuyên buộc NĐDTPL của pháp nhân phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình theo hợp đồng bảo lãnh cá nhân ngày 31-12-2010 đối với các khoản nợ của pháp nhân.

Như vậy, trong trường hợp NĐDTPL của pháp nhân không ký kết hợp đồng bảo lãnh cá nhân với ngân hàng thì việc thi hành bản án/thu hồi khoản vay sẽ phải phụ thuộc vào tình trạng tài sản của pháp nhân. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, pháp nhân không còn đủ tài sản để thi hành án do kinh doanh thua lỗ; hay thậm chí bằng cách nào đó, NĐDTPL đã chuyển quyền sở hữu các tài sản có giá trị của pháp nhân sang cho chính mình, làm cho việc thi hành bản án/thu hồi khoản vay gặp nhiều bất lợi.

Vì vậy, bảo lãnh cá nhân (đặc biệt là bảo lãnh cá nhân được cam kết bởi chính NĐDTPL) có thể được áp dụng như một biện pháp dự phòng hiệu quả khi xem xét biện pháp bảo lãnh không phát sinh quá nhiều chi phí, bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng không buộc phải thực hiện thủ tục công chứng, đăng ký đối với biện pháp này.

Ngoài ra, biện pháp bảo lãnh cá nhân hoàn toàn có thể áp dụng với bất kỳ cá nhân nào có vai trò quan trọng của doanh nghiệp như chủ sở hữu công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, hay cả các cá nhân khác dù không tham gia trực tiếp quản lý, điều hành doanh nghiệp nhưng vẫn có tiếng nói quyết định đối với doanh nghiệp.

Nhưng với trường hợp NĐDTPL không đồng ý ký bảo lãnh cá nhân thì phải xử lý thế nào? Đối với các ngân hàng thương mại, việc xử lý không quá khó khăn bởi ngân hàng luôn có những quy định về điều kiện cấp tín dụng mà khách hàng cần phải đáp ứng, nếu không đáp ứng, ngân hàng có quyền từ chối cấp tín dụng cho khách hàng. Còn đối với các doanh nghiệp có quan hệ thương mại với nhau, các bên có thể thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng thương mại rằng: một trong những điều kiện để hợp đồng thương mại phát sinh hiệu lực là bên có nghĩa vụ thanh toán phải cung cấp được cho bên kia một bảo lãnh cá nhân của NDDTPL.

Pháp luật đã có những quy định mà doanh nghiệp có thể áp dụng nhằm đảm bảo quyền được thanh toán theo hợp đồng. Doanh nghiệp nên vận dụng các điều khoản luật định trong thực tiễn hoạt động kinh doanh thương mại nhằm hạn chế cao nhất các rủi ro có thể xảy ra trên thương trường.

Để tải về bài viết này, vui lòng nhấp vào ĐÂY hoặc TẢI VỀ.

www.gvlawyers.com.vn

#bienphapbaolanh #nguoidaidientheophapluat #congnodoanhnghiep #nghiavuliendoi #nghiavutrano #khoikiendoino #doanhnghiep #baolanhnganhang #thutindung #tuvanphapluat #gvlawyers #luatsutuvan #capnhat_phapluat

5/5 - (500 votes)
Scroll to Top