Nghiệp vụ hành chính trong quản trị và điều hành Mr.Vy 2Sep2021

Nghiệp vụ hành chính trong quản trị và điều hành

GV Lawyers| Giới thiệu bài viết pháp luật

GV Lawyers trân trọng giới thiệu đến quý độc giả một bài viết của Luật sư Lê Quang Vy có tiêu đề: “Nghiệp vụ hành chính trong quản trị và điều hành được đăng trên  Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 36-2021 (1.603) ngày 02/09/2021.

***

Trong thời gian dịch bệnh, có không ít cơ quan Nhà nước cũng như cán mắc sai phạm trong quá trình quản lý điều hành, thực thi công vụ. Đã xảy ra việc một cơ quan trong một ngày ban hành ba văn bản để thu hồi hai văn bản vừa mới ban hành trước đó; hay vụ việc một vị phó chủ tịch phường có hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực đối với công dân; rồi vụ việc phải có con dấu của UBND phường mới được phép ra đường… Cũng có không ít trường hợp không phân biệt được hiệu lực pháp lý khác nhau của hành vi thu hồi và hành vi hủy bỏ văn bản hành chính ….Phải chăng các sai phạm này do căng thẳng vì yêu cầu chống dịch hay do nghiệp vụ hành chính có vấn đề?

Nguyên tắc điều hành công vụ

Trong hành chính luật học, nghiệp vụ hành chính chính là các nguyên tắc và kỹ thuật pháp lý để điều hành công vụ.  Trật tự an ninh xã hội là hệ quả tất yếu và trực tiếp từ kỷ luật hành chính mà ra.

Một quyết định hành chính vi luật, không hợp lòng dân được ban hành thì hậu quả tai hại thật khôn lường. Trong nội bộ, cấp thừa hành sẽ tỏ ra khó chịu khi phải sửa đi sửa lại văn bản sai phạm ấy, và điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo. Ngoài xã hội thì dân chúng sẽ hoang man, mất niềm tin, dẫn đến nhiều dư luận bất ổn, càng làm cho chính quyền bị mất tín nhiệm.

Quyền lập quy là một quyền năng được hiến pháp trao cơ quan quản lý hành chính. Theo điều 94 Hiến pháp 2013, Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất nước, ở địa phương có các cơ quan hành chính là UBND các cấp (điều 114 Hiến pháp 2013). Với quyền năng được hiến pháp trao cho, cơ quan hành chính là cơ quan chấp hành và thực thi các đạo luật do Quốc hội ban hành thông qua các loại hành vi hành chính hữu dụng và thông dụng là các văn bản hành chính. Văn bản hành chính được xem là phương tiện vật chất để cơ quan hành chính thực thi trách vụ.

Quyền lập quy không thể có địa vi ngang bằng với quyền lập pháp, quyền lập quy phải phục tùng quyền lập pháp, nghiệp vụ hành chính gọi đó là Nguyên tắc trọng pháp. Theo đó, trước khi ban hành bất kỳ văn bản hành chính nào, viên chức soạn thảo, cơ quan hành chính cần phải tôn trọng hiến pháp, quy chiếu vào luật pháp và chấp hành nghiêm chỉnh văn bản của cấp trên.

Ngoài ra, với lương tâm chức nghiệp, viên chức hành chính cần phải tìm được cái Sở dĩ nhiên mà luật hay văn bản của cấp trên được ban hành bằng các câu hỏi tại sao, vì đâu và mục đích gì có luật, có văn bản ấy? Song song đó phải tìm hiểu cái Lý đương nhiên là khi thi hành luật hay văn bản ấy sẽ có ưu và khuyết gì xảy ra? Nên thi hành như thế nào? Khi nhìn thấy cái sở dĩ nhiên và cái lý đương nhiên của một đạo luật hay một văn bản của cấp trên có thể gây bất công trong xã hội, viên chức hay cơ quan hành chính cần mạnh dạn đấu tranh đề nghị Quốc hội sửa đổi hay bãi bỏ những điều bất cập trong đạo luật; hoặc đề nghị cấp trên thu hồi hay hủy bỏ văn bản hành chính đã ban hành. Hành động như vậy, thì viên chức hay cơ quan hành chính đã có công củng cố sức mạnh công quyền, bảo vệ ủy tín của Nhà nước và trật tự xã hội.

Nguyên tắc trọng pháp không chỉ là việc tôn trọng luật pháp, mà mọi hành vi chậm trễ thi hành luật pháp, thi hành văn bản của cấp trên cũng đều bị xem là vi phạm. Việc một sở y tế phải nhanh chóng ban hành ba văn bản trong một ngày để thu hồi văn bản ban hành trước đó là cũng do vi phạm nguyên tắc trọng pháp. Cụ thể: (i) Việc nêu tên thuốc, nhà sản xuất và công ty bán thuốc mang tính “chỉ định” là vi phạm điều 22 Luật Đấu thầu, hệ quả sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh (vi luật); (ii) Tạo tâm lý hoang mang khiến người dân đổ xô ra đường mua bằng được thuốc về trữ. Điều này có khả năng dẫn đến vi phạm các chỉ thị của Chính phủ, của UBND thành phố về giãn cách xã hội (vi phạm văn bản cấp trên).

Nguyên tắc thứ hai cần tuân thủ là Trọng ước. Thật vậy, người Latinh có câu “Pacta Sunt Servanda” nghĩa là một khi đã cam kết, thì phải trung thành điều mình đã cam kết. Điều này đã trở thành một trong những nguyên tắc quan trọng trong công pháp quốc tế cũng như công pháp quốc nội và luật tư pháp của hầu hết các quốc gia. Theo đó, một khi Nhà nước đã cam kết, đã hứa với người dân điều gì thì phải tuyệt đối giữ chữ tín. Trong nghiệp vụ hành chính nguyên tắc trọng ước phải được thực hiện một cách nghiêm nghị và triệt để.

Khuynh hướng chung của nền hành chính tiên tiến ngày nay là quan niệm đạo đức bằng ý niệm Chính đáng và quan niệm pháp luật bằng ý niệm Hợp pháp vì vậy hành chính luật học chỉ ra rằng cơ quan hành chính Nhà nước cần phải hợp pháp hóa cái chính đáng, cái hợp lý nhưng chưa được hợp pháp; đừng bao giờ chính đáng hóa cái hợp pháp mà không chính đáng, bất hợp lý.  Vụ việc một vị phó chủ tịch phường cho rằng bánh mì không phải là hàng thiết yếu, không những là hành vi lạm quyền mà còn là sự kém hiểu biết về cái nhu cầu chính đáng, hợp lý và thiết yếu của người dân. Nghiệp vụ hành chính trong quản trị và điều hành Mr

Sự khác nhau giữa thu hồi và hủy bỏ văn bản hành chính

Hành vi thu hồi một văn bản hành chính là rút lại một văn bản đã ban hành trước đó. Hậu quả pháp lý của hành vi này được xem như là chưa bao giờ có hay tồn tại văn bản hành chính này, nghĩa là có hiệu lực hồi tố về thời điểm ban hành văn bản hành chính. Như vậy nếu các quyền và nghĩa vụ phát sinh do việc thi hành văn bản hành chính mà sau này văn bản hành chính đó bị thu hồi, thì quyền và nghĩa vụ phát sinh ấy cũng sẽ bị thu hồi. Ví dụ: thu hồi một quyết định tặng thưởng, thì sẽ thu hồi các quyền lợi vật chất mà người được tặng thưởng đã được nhận, nghĩa là xem như người đó chưa bao giờ được tặng thưởng.

Trái lại, hủy bỏ một văn bản hành chính thì không có hiệu lực hồi tố. Hành vi hủy bỏ một văn bản hành chính có hiệu lực đình chỉ thi hành văn bản hành chính được ban hành trước đó kể từ ngày quyết định hủy bỏ được ban hành. Điều này có nghĩa trước ngày ban hành quyết định hủy bỏ, thì văn bản hành chính được ban hành trước đó vẫn tồn tại. Ví dụ: hủy bỏ một quyết định giao việc, nghĩa là kể từ ngày có quyết định hủy bỏ thì người được giao việc sẽ chấm dứt hành vi được giao việc. Các hành vi người được giao việc thực hiện trước khi có quyết định hủy bỏ, vẫn có hiệu lực.

Thực tiễn có vị chánh thanh tra cấp tỉnh đã ký ban hành quyết định hành chính về việc “Hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính”. Lý do hủy bỏ được nêu là vì hành vi đưa nội dung kèm hình ảnh đăng tải lên mạng xã hội Facebook của cá nhân một công dân chưa đủ căn cứ để áp dụng hình thức xử phạt hành chính. Lẽ ra vị chánh thanh tra phải ký quyết định thu hồi quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì đã không có hành vi vi phạm thì phải thu hồi quyết định xử phạt xem như chưa hề có, chưa hề tồn tại một quyết định xử phạt hành chính. Trong khi đó vị này lại ký quyết định hủy bỏ, điều này có nghĩa trước khi được hủy bỏ thì quyết định xử phạt hành chính vẫn có giá trị, mặc dù không có hành vi vi phạm nào xảy ra.

Doanh nghiệp có cần thiết nghiệp vụ hành chính

Ngày nay hầu hết các doanh nghiệp đều có phòng hành chính quản trị. Tuy nhiên, cần phải biết, hành chính sự vụ là một nghề nghiệp mang tính chuyên môn. Vì vậy, nắm vững những nguyên tắc nghiêp vụ hành chính nêu trên sẽ giúp cho doanh nghiệp quản trị và điều hành đơn vị khoa học và quy củ hơn, nghĩa là việc quản trị sẽ được thuận lý, có khả năng thuyết phục cao cũng như phân minh và chặt chẽ. Việc doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật và chính sách hóa những điều được cho là chính đáng, hợp lý của người lao động, không chỉ mang lại cho doanh nghiệp lợi ích hữu hình mà cả lợi ích vô hình.
Để tải về bài viết này, vui lòng nhấp vào TẢI VỀ.

5/5 - (500 votes)
Scroll to Top