Khi giá cả nhảy múa1

Khi giá cả nhảy múa

GV Lawyers| Giới thiệu bài viết pháp luật

GV Lawyers trân trọng giới thiệu đến quý độc giả một bài viết của ông Nguyễn Công Duy Thông và cô Trần Thị Cẩm Vân có tiêu đề: “Khi giá cả nhảy múa được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 32-2021 (1.599) ngày 05/08/2021.

***

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này phức tạp và kéo dài. Với tâm lý lo sợ trong dân dẫn đến việc tích trữ thực phẩm, đồ dung, cộng với những trục trặc của chuỗi cung ứng khiến hàng hóa có lúc thiếu hụt. Lợi dụng tình trạng này, nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh đã nâng giá bán lên nhiều lần để trục lợi.

Luật Giá đã quy định các cửa hàng phải niêm yết giá, bán theo giá niêm yết. Luật cũng nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Do vây, việc lợi dụng tình hình dịch bệnh hiện nay để tăng giá hàng hóa lên 3-4 lần rõ ràng là hành vi trái pháp luật.

Pháp luật chưa đủ sức răn đe …

Theo khoản 3 điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, hành vi bán hàng cao hơn giá niêm yết bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với cá nhân, và gấp 2 lần mức này đối với tổ chức. Ngoài ra, cửa hàng vi phạm còn bị buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết và trong trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, mức phạt 10 triệu đồng không có tính răn đe, bởi khoản lợi nhuận bất chính do tang giá có khi lớn hơn rất nhiều lần. Đó cũng là lý do khiến các cửa hàng chấp nhận vi phạm quy định. Trong khi đó, thiệt hại ở mỗi người tiêu dung thường là nhỏ trong mỗi lần mua hàng, nên họ cũng chấp nhận “phớt lờ”, hoặc có tâm lý e ngại lên tiếng tố cáo hành vi sai phạm. Nhưng khi cộng gộp các khoản vi phạm đối với đông đảo người tiên dùng thì tổng khoản thu bất hợp pháp là rất lớn, nên trong một số trường hợp, người tiêu dùng còn bị hăm dọa khi dám lên tiếng vạch trần sai phạm của các cửa hàng hay doanh nghiệp.

Pháp luật hiện hành tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc khởi kiện cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm, cụ thể là (i) không có nghĩa vụ chứng minh lỗi; (ii) không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; (iii) có thể khởi kiện tập thể trong một số trường hợp Tòa án chấp nhận nhập các vụ án của những người tiêu dùng  (có cùng chủ thể bị kiện và/hoặc cùng quan hệ/sự việc có tranh chấp). Tuy nhiên, việc người tiêu dùng khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm không khả thi trên thực tế, do thời gian giải quyết vụ án kéo dài, mức chi phí tham gia vụ án cao hơn nhiều lần so với mức thiệt hại mà người tiêu dùng có thể kiện đòi, và thường không dễ dàng liên kết những người tiêu dùng với nhau để tạo ra một vụ kiện tập thể.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thứ nhất, cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính và/hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự để tăng tính răn đe của pháp luật đối với các chủ thể có ý định vi phạm. Thủ tục tố tụng dân sự cần được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng sử dụng quyền khởi kiện của mình.

Thứ hai, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ việc bán hàng hóa, dịch vụ đúng giá đã niêm yết: tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; lắng nghe, tiếp nhận và xử lý tố cáo, kiến nghị của người dân.

Thứ ba, người dân cần tự bảo vệ mình bằng thói quen chú ý quan sát, đối chiếu cẩn trọng giá hàng hóa đã niêm yết với giá thực tính trước khi thanh toán. Người dân cũng cần mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các hành vi vi phạm với cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.

Thứ tư, các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần thể hiện vai trò trong việc chỉ ra các hành vi vi phạm pháp luật, tư vấn và tích cực hỗ trợ người tiêu dùng trong thủ tục khiếu nại, tố cáo đối với tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Thứ năm, trong khuôn khổ pháp luật, cần phát huy vai trò của các kênh truyền thông đại chúng (vốn dĩ rất hiệu quả) để phản ánh kịp thời hành vi bán hàng cao hơn mức giá niêm yết, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Để tải về bài viết này, vui lòng nhấp vào TẢI VỀ.

5/5 - (500 votes)
Scroll to Top