tang hoc phi phai cong khai thu chi

Học phí trong những ngày giãn cách xã hội: Thu hay không thu?

GV Lawyers xin giới thiệu một bài viết của Luật sư Hồ Thị Trâm có tiêu đề: “Học phí trong những ngày giãn cách xã hội: Thu hay không thu?” được đăng trên website Luật sư Việt Nam Online ngày 12/05/2020.

***

(LSO) – Sự kiện bất khả kháng gỡ bỏ nghĩa vụ cơ bản của nhà trường là cung cấp dịch vụ giáo dục thì ở chiều ngược lại, phụ huynh cũng phải được miễn trừ nghĩa vụ chính là nghĩa vụ thanh toán học phí.

Mấy ngày gần đây báo chí phản ánh nhiều tranh cãi giữa phụ huynh và một số trường dân lập quốc tế về học phí trong những ngày trường đóng cửa do cách ly xã hội do dịch Covid-19. Phía trường khăng khăng yêu cầu phụ huynh đóng đủ 100% học phí trong thời gian nghỉ học; trong khi đó, phụ huynh phản đối gay gắt, cho rằng việc thu học phí như vậy là không thỏa đáng vì trong những ngày trường đóng cửa vì Covid -19, con em họ không đến trường học. Bên nào cũng có lý. Vậy, dưới khía cạnh pháp lý, vụ việc này cần được nhìn nhận thế nào?

Nhà trường – phụ huynh: Quan hệ dịch vụ vì lợi ích của học sinh

Để các bên giải quyết tranh chấp, việc đầu tiên cần làm là phải xác định được quan hệ pháp lý giữa nhà trường và phụ huynh. Về pháp lý, giữa nhà trường và phụ huynh tồn tại quan hệ hợp đồng, chính xác là hợp đồng dịch vụ giáo dục, được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự và Luật Giáo dục.

Theo hợp đồng này, nhà trường là “bên cung ứng dịch vụ” giáo dục theo chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và do nhà trường và phụ huynh thỏa thuận; theo đó, nhà trường được nhận học phí từ việc cung ứng dịch vụ đó. Ở chiều ngược lại, phụ huynh là “bên sử dụng dịch vụ”, sử dụng dịch vụ giáo dục (dạy học) từ nhà trường vì lợi ích của con em mình; nghĩa vụ chính của  phụ huynh là thanh toác học phí (nói cách khác là phí dịch vụ dạy học).

Do dịch Covid-19 xảy ra, để ngăn chặn sự lây lan, Thủ tướng Chính  phủ yêu cầu cách ly xã hội trên phạm vi toàn quốc, đồng thời chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đã ban hành các quyết định đóng cửa trường và cho phép học sinh nghỉ học. Các văn bản bản này ngăn cản hoàn toàn việc trường mở cửa để dạy học (cung cấp dịch vụ giáo dục) theo hợp đồng với phụ huynh, còn học sinh cũng không thể đến trường. Xét theo hợp đồng dịch vụ giáo dục thì nhà trường đã không thực hiện đúng hợp đồng (không dạy học cho học sinh tập trung trên lớp). Vậy, liệu nhà trường có bị coi là vi phạm hợp đồng giáo dục với phụ huynh không?

Theo Bộ luật Dân sự và hợp đồng giữa nhà trường và phụ huynh, việc nhà trường vi phạm hợp đồng là khá rõ ràng. Tuy vậy, theo Điều 156 của BLDS 2015, các văn bản bản của Thủ tướng và Chủ tịch tỉnh, thành phố, đối với nhà trường, có thể được xem là các sự kiện bất khả kháng; và vì vậy, dù nhà trường không thể cung cấp dịch vụ giáo dục (tập trung trên lớp) nhưng cũng được miễn trách nhiệm pháp lý do gặp phải tình trạng bất khả kháng.

Cần phải lưu ý rằng, hợp đồng giáo dục là một loại hợp đồng song vụ, theo đó, nghĩa vụ của bên này sẽ tương ứng với quyền của bên kia. Sự kiện bất khả kháng gỡ bỏ nghĩa vụ cơ bản của nhà trường là cung cấp dịch vụ giáo dục thì ở chiều ngược lại, phụ huynh cũng phải được miễn trừ nghĩa vụ chính là nghĩa vụ thanh toán học phí.

Học online trong thời gian Covid-19 có phải đóng học phí?

Để ứng phó với Covid-19, một số trường chuyển sang học trực tuyến (online). Đây là một cách ứng phó phù hợp nhưng lại phát sinh vấn đề pháp lý khác.

Trước khi có dịch Covid-19, học trực tuyến chưa bao gồm trong hợp đồng đang tồn tại giữa phụ huynh và nhà trường. Việc cho học sinh học trực tuyến có thu học phí sẽ được xem là một dịch vụ mới của trường và về mặt hợp đồng, phụ huynh có quyền đồng ý hay không đồng ý với dịch vụ mới này.

Nếu phụ huynh đồng ý thì coi như hai bên đã bổ sung hợp đồng dịch vụ giáo dục, bao gồm cả việc thu/đóng học phí học trực tuyến. Nói cách khác, dưới góc độ hợp đồng, dịch vụ giáo dục trực tuyến không đương nhiên thay thế dịch vụ giáo dục truyền thống (tập trung trên lớp), và cũng không có cơ sơ pháp lý để thay học phí dịch vụ giáo dục truyền thống bằng học phí dịch vụ giáo dục trực tuyến.

Tuy nhiên, cũng sẽ là không công bằng nếu phủ nhận cố gắng của trường khi triển khai học trực tuyến mà không được quyền thu học phí học trực tuyến. Do vậy, giải pháp hợp lý nhất là nhà trường và phụ huynh cần ngồi lại để thỏa thuận về nội dung chương trình và học phí cho dịch vụ giáo dục trực tuyến.

5/5 - (500 votes)
Scroll to Top