D73163FE 603A 47B9 8390

Dài Tay Cấm Người Nợ Thuế Xuất Cảnh

GV Lawyers xin giới thiệu bài viết của Luật sư Phạm Thị Hiền có tiêu đề: “Dài Tay Cấm Người Nợ Thuế Xuất Cảnh” được đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 20/06/2019, Số 25.2019 (1.488).

***

Cấm xuất cảnh đối với cá nhân nợ thuế hoặc có liên quan đến nợ thuế không phải là vấn đề mới mẻ gì. Tuy nhiên, với việc ngày càng có nhiều hơn những trường hợp bị cấm xuất cảnh mà làm ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại của công dân, dư luận đang đặt ra những vấn đề pháp lý của biện pháp có tính hiệu quả tức thì này. Thời gian gần đây, nhiều người khi làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay thì mới bất ngờ biết tin là mình bị cấm xuất cảnh vì đang nợ thuế.

CƯỠNG CHẾ THU THUẾ BẰNG VIỆC CẤM XUẤT CẢNH
Nhiều người cho rằng cấm xuất cảnh là một trong những biện pháp cưỡng chế để thu nợ thuế, và nếu là vậy thì cơ quan thuế nên thực hiện các biện pháp cưỡng chế khác như: trích tiền từ tài khoản của đối tượng nợ thuế hay khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập của họ… thay vì cấm xuất cảnh. Tuy nhiên, cấm xuất cảnh thực chất không phải là một trong các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo điều 93 của Luật Quản lý thuế. Vốn dĩ để áp dụng một biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, thì trước đó đã phải có quyết định hành chính thuế như quyết định truy thu thuế hay quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế nhưng hết thời hạn thực hiện quyết định đó, người nộp thuế vẫn không thực hiện hoặc có hành vi bỏ trốn, phát tán tài sản.[1]

Trong khi đó, từ quy định đầu tiên tại Nghị định 05/2000/NĐ-CP[2] đến Luật Quản lý thuế 2006,[3] pháp luật chỉ quy định đơn giản rằng người nộp thuế sẽ chưa được phép xuất cảnh khi chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Theo đó, chỉ cần người nộp thuế có khoản tiền thuế chưa nộp được ghi nhận trên hệ thống của cơ quan thuế thì đã có thể bị cấm xuất cảnh mà không nhất thiết phải trải qua một quy trình ban hành quyết định thuế, chờ hết thời gian thực hiện quyết định, ban hành quyết định cưỡng chế thì mới thực hiện được biện pháp cấm xuất cảnh.

AI CŨNG CÓ THỂ BỊ CẤM XUẤT CẢNH KHI NỢ THUẾ?
Luật Quản lý thuế chỉ đặt ra yêu cầu phải hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh đối với cá nhân là: (i) người Việt Nam xuất cảnh nhằm mục đích định cư ở nước ngoài; và (ii) người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam. Như vậy, không phải trong mọi trường hợp còn nợ thuế mà xuất cảnh đều bị cấm xuất cảnh, nếu áp dụng một cách tùy tiện, không xét đến mục đích xuất cảnh của công dân như đi công tác, du lịch, thăm thân nhân, đi chữa bệnh, đi du học…thì không những là chưa đúng với quy định pháp luật mà còn có thể gây thiệt hại cho công dân. Sẽ không có gì quá ngạc nhiên nếu một ngày nào đó có cá nhân bị cấm xuất cảnh khởi kiện cơ quan quản lý xuất nhập cảnh vì đã tự nới rộng phạm vi các trường hợp cấm xuất cảnh vì nợ thuế.

Nội dung của quy định không cho người chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế xuất cảnh chỉ hướng đến các khoản thuế thu nhập cá nhân hoặc các khoản thuế khác mà cá nhân có nghĩa vụ thực hiện nhưng chưa thực hiện. Hiện nay, pháp luật thuế chưa quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp còn nợ thuế sẽ bị cấm xuất cảnh, nhưng nghịch lý ở đây lại là các trường hợp cấm xuất cảnh phổ biến nên người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp dân doanh khá lo lắng về vấn đề này.

Nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp không thể đồng nhất là nghĩa vụ thuế của cá nhân. Thế nhưng, nếu không nắm “lái” thì ai chịu đòn? Mà nếu nắm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp như vậy thì liệu có thu được nợ thuế hay không trong khi người đại diện theo pháp luật chỉ là người làm thuê ăn lương hoặc người do chủ sở hữu công ty, cổ đông bổ nhiệm, bầu chọn? Khi cần, doanh nghiệp sẽ thay người khác làm người đại diện theo pháp luật.

Vậy cấm xuất cảnh chủ sở hữu doanh nghiệp hay các cổ đông lớn, nắm quyền chi phối doanh nghiệp có được không? Những người này cũng chỉ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn góp của họ vào công ty. Rõ ràng nếu người đại diện theo pháp luật hoặc chủ sở hữu doanh nghiệp mà bị cấm xuất cảnh khi doanh nghiệp nợ thuế thì đây là một hình thức vạ lây chứ họ không phải là người nộp thuế để gánh chịu trách nhiệm dưới góc độ pháp luật thuế. Trách nhiệm của họ trong công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp không hiệu quả dẫn tới việc nợ thuế và hậu quả pháp lý cho doanh nghiệp nợ thuế, nếu có, sẽ được xem xét ở các quy định của pháp luật doanh nghiệp, chứ không phải là pháp luật thuế.

THẨM QUYỀN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CẤM XUẤT CẢNH
Pháp luật thuế có quy định là cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh có trách nhiệm dừng việc xuất cảnh của cá nhân khi có thông báo bằng văn bản hoặc thông tin điện tử từ cơ quan quản lý thuế về việc người dự kiến xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật trước khi xuất cảnh.[4]. Đã là trách nhiệm, thì nếu cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh không làm, thì có thể được xem như là thiếu trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm nếu khoản nợ thuế không thể thu hồi do cá nhân đã xuất cảnh.

Cũng là cấm xuất cảnh, điều 22 của Nghị định 136/2007 quy định bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chưa cho xuất cảnh đối với người nợ thuế.

Dù có sự vênh nhau về mặt thẩm quyền cấm xuất cảnh theo quy định pháp luật, nhưng cho đến nay, việc cấm xuất cảnh người nợ thuế trên thực tế vẫn chỉ do cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh thực hiện. Về mặt quản lý nhà nước, cấm xuất cảnh phải là công việc của cơ quan chuyên phụ trách xuất, nhập cảnh để không xảy ra tình trạng như trên. Về mặt pháp luật, nếu các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn,[5] cho nên quy định của Luật Quản lý thuế đương nhiên sẽ được áp dụng trong trường hợp này.

So với những vấn đề khác lớn lao hơn của xã hội, việc cấm xuất cảnh người nợ thuế có thể chỉ là câu chuyện nhỏ có ảnh hưởng đến một số ít người, nhưng nó cho thấy sự chưa được đồng bộ trong các quy định của pháp luật của từng giai đoạn mà chúng ta cần có nhiều thời gian hơn để điều chỉnh lại cho thống nhất. Không những thế, việc áp dụng quy định pháp luật trên thực tế của cơ quan thực thi đôi khi lại không nằm trong đường biên được phép mà, trong một chừng mực nào đó, nới rộng hơn các đối tượng áp dụng và các trường hợp được phép áp dụng.

[1] Điều 92 Luật Quản lý thuế
[2] Điều 14 Nghị định 05/2000/NĐ-CP
[3] Điều 53 Luật quản lý thuế
[4] Điều 53 của Luật Quản lý thuê và Điều 40 của Thông tư 156/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2, Điều 12 của Thông tư 26/2015/TT-BTC
[5] Điều 156.2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015

5/5 - (500 votes)
Scroll to Top