Có Cần Phúc Khảo Các Chương Trình Biểu Diễn Nghệ Thuật

Có Cần Phúc Khảo Các Chương Trình Biểu Diễn Nghệ Thuật

GV Lawyers| Giới thiệu bài viết pháp luật
GV Lawyers trân trọng giới thiệu đến quý độc giả một bài viết của Luật sư Lê Quang Vy và Luật sư Lê Trọng Thêm có tiêu đề: “Có Cần Phúc Khảo Các Chương Trình Biểu Diễn Nghệ Thuật được đăng trên  Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 12-2017 (1.371) ngày 23/03/2017.

***

Theo quy định của pháp luật hiện hành, để một chương trình biểu diễn nghệ thuật được công diễn tới công chúng, đơn vị tổ chức cần phải vượt qua hai vòng kiểm duyệt. Vòng thứ nhất là việc xin cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Vòng thứ hai là vòng duyệt chương trình biểu diễn nghệ thuật mà giới văn nghệ sĩ hay dùng với cái từ nhẹ nhàng hơn là “phúc khảo” chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Để Hội đồng Nghệ thuật tiến hành hoạt động phúc khảo, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải tổ chức một buổi biểu diễn hoàn chỉnh với sự tham gia của những người biểu diễn, địa điểm tổ chức, âm thanh, ánh sáng, sân khấu, … thậm chí là trang phục biểu diễn.
Việc phúc khảo đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật bán vé thu tiền liệu có cần thiết  không khi người quyết định sự thành công của chương trình chính là khán giả? Trước làn sóng du nhập nền công nghiệp biểu diễn của các nước tiên tiến trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung vào nước ta, các nhà làm luật và nhà quản lý cần xem lại quy định này để cởi trói cho ngành công nghiệp biểu diễn được phát triển.
Theo quy định hiện nay (*) các chương trình có bán vé như liveshow ca nhạc, đêm nhạc của nhạc sĩ, các chương trình tạp kỹ…sẽ phải được Hội đồng nghệ thuật duyệt chương trình trước khi biểu diễn nếu như cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
phuckhaoCơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương là Cục Nghệ thuật Biểu diễn và ở địa phương là  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch . Thực tiễn cho thấy hầu như các chương trình biểu diễn nghệ thuật có bán vé thu tiền hiện nay đều phải thông qua Hội đồng nghệ thuật duyệt chương trình.
Nhiệm vụ của Hội đồng nghệ thuật là thẩm định, đánh giá về tư tưởng, nội dung, hình thức, chất lượng nghệ thuật các chương trình, kịch bản, tác phẩm của các đơn vị tổ chức. Thiết nghĩ, đối với các  chương trình biểu diễn có sử dụng ngân sách nhà nước nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, hay các ngày lễ của đất nước, thì việc Hội đồng nghệ thuật thẩm định nội dung để đảm bảo đúng mục đích, ý nghĩa là điều cần thiết. Song ngược lại đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật có doanh thu do các doanh nghiệp tổ chức, việc thẩm định này xem ra không phù hợp lắm khi đây là quan hệ dân sự thông thường giữa người làm dịch vụ nghệ thuật và người mua dịch vụ. Luật pháp đã có những quy định chặt chẽ về các vùng cấm trong hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật như quảng cáo mạo danh nghệ sĩ, sử dụng bản ghi âm để thay giọng hát thật của người biểu diễn, biểu diễn những tác phẩm không được phép… Theo đó đơn vị tổ chức biểu diễn chỉ cần thực hiện đúng luật, nếu vi phạm đã có các điều khoản chế tài. Cơ chế thị trường sẽ là nơi thẩm định chất lượng nghệ thuật của chương trình. Lẽ đương nhiên, nếu chương trình kém chất lượng sẽ không bán được vé, nhà tổ chức mất uy tín thì khán giả sẽ tự động “tẩy chay”.
Điều quan trọng hơn, quyền tự do sáng tạo nghệ thuật là một nguyên tắc hiến định, không ai được quyền tước đoạt quyền này của người khác. Ngoài ra, Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định rõ không ai được quyền sửa chữa, cắt xén tác phẩm của tác giả hay hình tượng biểu diễn của người biểu diễn. Do đó  Hội đồng Nghệ thuật không thể can thiệp vào quyền sáng tạo của đạo diễn hay của người biểu diễn nếu sự sáng tạo ấy không vi phạm vào điều cấm của pháp luật.
Khi hội đồng Nghệ thuật thẩm định một chương trình, đơn vị tổ chức đương nhiên phải thực hiện một buổi biểu diễn như thật. Điều này khiến nhà tổ chức tốn thêm một khoản chi phí, mà sau đó chắc chắn sẽ được phân bổ vào tiền vé cho khán giả. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước phải làm thêm một việc mất thời gian, công sức nhưng lại không phù hợp với tinh thần của luật pháp như đã phân tích ở trên. Vì thế việc bỏ hoặc thay đổi cách thức quản lý các chương trình nghệ thuật có bán vé thu tiền chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho xã hội.
Hy vọng sắp tới khi Luật Tổ chức Biểu diễn Nghệ thuật được xây dựng và thông qua, các hoạt động biểu diễn có bán vé thu tiền sẽ được nhìn nhận đúng bản chất kinh tế là một loại hình dịch vụ kinh doanh để có cơ chế quản lý thích hợp.

(*)Theo Điều 10.1.(c) Nghị định 79/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 15/2016/NĐ-CP

5/5 - (500 votes)
Scroll to Top